Năm cũ trôi qua với nhiều khó khăn nên xuân này, người dân đón tết giản dị, vừa đủ ấm áp và đậm nét đặc trưng văn hóa của miền hạ, vùng thượng.
1.
Xế chiều, anh Võ Văn Mẫu (37 tuổi, ngụ ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) hối hả trở về, khép lại chuyến đi xúc cá lia thia. Anh Mẫu gắn bó với nghề xúc cá lia thia hơn 20 năm nay. Căn nhà tường khang trang, các con học hành tử tế, cuộc sống khấm khá đều nhờ nghề này. Và, chuyện đón tết sung túc, đủ đầy cũng thế!
“Cân được 2kg cá nhen”, tiếng bà Đoàn Thị Út - chủ Cơ sở mắm cá lia thia Út Lớn (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ), từ trong nhà vọng ra khi anh Mẫu đang trò chuyện cùng anh em trong đội xúc cá. “800.000 đồng nè, tui “boa” thêm gần 100.000 đồng để về mua bánh, mứt cho mấy đứa nhỏ” - bà Út nói vui.
Nhận tiền bán cá, anh Mẫu quay xe trở về nhà, để dành cùng vợ đi chợ tết. “Tôi sẽ mua thịt, hoa, trà bánh, mua thêm vài bộ đồ cho con vui tết” - anh Mẫu dự tính.
Nếu ngày thường, mỗi kilôgam cá lia thia, anh Mẫu bán được 300.000 đồng. Cuối năm nên chủ mua giá cao hơn, coi như thưởng tết. Xúc được mẻ cá lia thia này, anh Mẫu đi từ 7 giờ sáng đến xế chiều. Anh không ngại đường xa vất vả, miễn là nơi đó có cá là anh đến. Gần thì quanh quẩn trên những cánh đồng bưng biền, nhiễm phèn ở huyện Đức Huệ; xa hơn thì đến tận huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa hay tỉnh Tiền Giang, cách nhà hàng chục kilômét. Nhìn màu nước, màu cây năn, anh đoán “chắc như bắp”: “Chỗ này có cá lia thia”.
Lấy chiếc rổ tre to cột phía sau chiếc xe Honda cà tàng, lội xuống nước, anh bắt đầu xúc cá. Vừa đi vòng tròn, vừa giậm giậm chân, những con cá lia thia nhảy vào nằm gọn trong rổ. Một ngày như thế, anh Mẫu xúc được 2-3kg cá lia thia.
2.
“Đội quân” xúc cá lia thia có hơn 10 người, đều gắn bó với nghề từ mấy chục năm nay. Trẻ có, già có, kể cả phụ nữ. Mỗi sáng, sau khi cơm nước xong, đội mang theo nước uống, phần ăn trưa để “hành quân” đến xế chiều. Ông Trần Văn Năm tuổi đã lớn (65 tuổi) nhưng vẫn không nỡ bỏ nghề. Ông thương rồi gắn bó mấy chục năm nay bởi nghề xúc cá lia thia mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định, có thêm tiền mua sắm mỗi độ xuân về.
Ống quần còn ướt sũng nước, tay, chân thấm lạnh, ông Năm vừa trở về sau chuyến xúc cá lia thia tận cánh đồng bưng biền ở huyện Thạnh Hóa. Mẻ cá được 3kg, ông Năm mừng: “Chuyến cá này “trúng” nhất từ bữa giờ. Nhiêu đây bán được khoảng 1 triệu đồng, có thêm khoản tiền chuẩn bị tết. Sau mẻ cá này, tôi đi thêm vài chuyến rồi nghỉ ngơi, dọn nhà đón tết, đến mùng 10 “khai trương””. Dù lạnh, dù mệt vì trở về sau quãng đường xa nhưng bán xong mẻ cá lia thia và nhận tiền, ông Năm cùng “đội quân” ai nấy đều hớn hở, cười nói với nhau: “Về nhà chuẩn bị đón tết thôi!”.
Mua lại cá lia thia từ những người đi xúc, bà Út làm mắm, bán cho khách hàng trong và ngoài huyện Đức Huệ. “Ngày thường, tôi bán khoảng 6.000 hũ/tháng; riêng từ độ tháng 10 Âm lịch đến ra Giêng, bán 10.000 hũ/tháng. Giá bán 120.000-130.000 đồng/hũ, tùy khách sỉ, lẻ” - bà Út cho biết.
Để đáp ứng đủ số lượng mắm cá lia thia cho thị trường, bà Út thuê 4 nhân công, cũng là người ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ. Hàng ngày, nhân công làm trung bình 4 tiếng, tiền công 120.000 đồng/người. Bà Nguyễn Thị Kiều Hoa (54 tuổi) làm tại Cơ sở mắm cá lia thia Út Lớn gần 5 năm, thu nhập khoảng 150.000 đồng/buổi. “Thu nhập này đủ chi tiêu trong nhà, lại có thời gian chăm sóc gia đình. Cuối năm, chủ cơ sở thưởng 4 triệu đồng/người để có thêm khoản tiền lo tết” - bà Hoa bộc bạch.
Nghề xúc cá, làm mắm cá lia thia từ lâu trở thành nét riêng của vùng bưng biền Đức Huệ. Và dịp tết, mắm cá lia thia cũng là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Năm nào, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) cũng sang nhà bà Út mua cá lia thia tươi và hũ mắm. Chị Trang nói: “Mua cá về để dành kho ăn cơm mấy bữa tết. Còn mắm để dành mùng 3 làm món bánh tráng, thịt luộc đãi con cháu từ TP.HCM về. Tụi nó gọi điện thoại về nói, đi làm xa nhà, cứ giáp tết lại nôn nao về quê ăn mắm cá lia thia”.
3.
Phiên chợ quê đông hơn ngày thường, bán đủ hàng hóa tết. Chọn mua thịt, nếp, đậu xanh để đến tết sẽ gói bánh tét, trà, mứt cúng bàn thờ gia tiên, chị Phan Thị Thúy (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) ghé qua sạp hàng tạp hóa mua thêm giấy đỏ. Mười mấy năm nay, từ ngày về làm dâu ở vùng Đức Hòa, tết năm nào, chị cũng mua loại giấy này để mùng 3 tết nhà. Không biết phong tục này có từ khi nào nhưng thấy mẹ chồng làm nên chị giữ.
Theo một số bậc cao niên ở huyện Đức Hòa, tết đến, con người, vạn vật, cây cối đều ngơi nghỉ. Dán giấy đỏ lên các đồ vật, xe cộ, cây cối,... vừa mang ý nghĩa trừ tà ma, điều xấu, vừa thay lời mời vạn vật cùng ăn tết. Ngoài ra, màu đỏ tượng trưng cho may mắn, mang theo ước vọng sung túc, bình an trong năm mới.
Theo tục lệ, cứ sáng mùng 3 tết, nhà nhà đều dậy sớm, cắt giấy đỏ thành những hình vuông, dán lên tủ lạnh, cửa nhà, cây xoài, gốc mít,... “Con gái tôi rất thích làm việc này. Biết phong tục này từ nhỏ nên những mùa tết sau, con tôi sẽ tiếp nối” - chị Thúy bày tỏ.
Sau tục dán giấy đỏ, người Đức Hòa còn tết trâu, bò vào mùng 3. Đức Hòa là một trong những địa phương có số lượng đàn trâu, bò nhiều trong tỉnh. Nhiều người dân sống bằng nghề nuôi bò, có hộ gắn bó từ mấy chục năm nay. Tết trâu, bò như một lời tạ ơn gia súc đã đồng hành cùng gia đình trong làm kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no. Mâm cúng tết trâu, bò thường có thịt kho hoặc luộc, canh chua, cá lóc nướng, bánh tét, rượu, trà, gạo, muối,...
Mùng 3 tết năm nào cũng vậy, khi trời còn tờ mờ chưa nhìn rõ mặt người, bà Nguyễn Thị Phê (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) cùng chồng đặt một bàn hương nhỏ trước cửa chuồng để tết trâu, bò. Nhà bà Phê hiện nuôi 4 con bò. Mỗi năm, bà bán 1-2 con, có thêm thu nhập. Biết ơn vật nuôi, gần 30 năm nay, từ đời mẹ rồi đến bà đều duy trì tục lệ tết trâu, bò. Quỳ trước bàn hương khi lễ vật cúng đã dọn xong, bà Phê khấn thầm với mong ước năm mới chăn nuôi thuận lợi, không dịch bệnh,...
Tết trâu, bò và dán giấy đỏ khá lạ với nhiều người nhưng với người dân Đức Hòa, đó là nét đẹp ngày xuân, phong tục được giữ gìn từ tết xưa đến tết nay.
4.
Cảm nhận cơn gió hiu hiu, mát rượi mỗi buổi xế chiều, mang theo chút mằn mặn, người dân Cần Đước biết mùa gió chướng đang về. Gió chướng thổi dài từ tháng 10 Âm lịch đến tận cùng tháng Giêng, cũng là lúc mặn về, tết gần kề. Mùa gió chướng, người dân miền hạ tạm gác việc trồng lúa, chủ yếu nuôi tôm hoặc theo những chuyến ghe ngược xuôi đánh bắt cá để có thêm đồng ra, đồng vào lo tết. “Giá tôm lên xuống không ổn định. May là vụ gần tết, tôi có lời đôi chút, sẽ mua sắm, đón tết vừa đủ ấm áp” - ông Trần Văn Hinh (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) dự định.
Mùa cận tết, vùng kinh Nước Mặn có cá chìa vôi, cá ngát, cá úc,... Mỗi chuyến đi ghe đánh bắt cá, người dân bỏ túi vài trăm, có khi mấy triệu đồng. Nghề đi ghe phải dậy sớm, khá vất vả nhưng nhiều người vẫn bám thuyền ra khơi. Xuôi ghe theo con kinh Nước Mặn đánh bắt cá hơn 10 năm nay, năm nào đến mùa tết, ông Lê Văn Minh (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) cũng có thu nhập khá. “Hôm nào ít thì lưới được vài chục kilôgam cá, khi nhiều thì cả trăm kilôgam, bán cho thương lái gần 100.000 đồng/kg. Sau mỗi chuyến ghe như thế, tôi có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Và khi tết đến, số tiền này cũng giúp gia đình vui xuân đầm ấm hơn” - ông Minh bộc bạch.