Toàn bộ thông tin về Trạm y tế lưu động giữa dịch COVID-19
Ngày 21/8/2021, Bộ Y tế đã có Quyết định ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo đó, Trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.
Những nhiệm vụ cụ thể của trạm y tế lưu động bao gồm: Quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm COVID-19; tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.
Về số lượng trạm y tế lưu động, tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều Trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một Trạm y tế lưu động.
Một trạm y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Mỗi Trạm y tế lưu động phải có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 1 bác sỹ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu 1 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao.
Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn.
Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác.
Ngoài nhân viên y tế, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, Tổ dân phố... để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của Trạm y tế lưu động.
Tại Trạm y tế lưu động phải có các trang thiết bị thiết yếu cho phòng, chống Covid-19 như: Xe lăn, hoặc xe đẩy, cáng khiêng;máy đo SpO2; bình oxy; mặt nạ thở oxy; đồ bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2; các sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm RT-PCR...
Về danh mục thuốc, căn cứ nhu cầu thực tế, Trạm y tế lưu động sử dụng các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc dành cho Trạm y tế cấp xã và các loại thuốc điều trị COVID-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo mỗi Trạm y tế lưu động có 1 xe ô tô có gắn bình oxy, có xe đẩy hoặc băng-ca để vận chuyển người nhiễm COVID-19 đi cấp cứu kịp thời.
Trường hợp không thể sắp xếp được xe, cần phối hợp với hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn để vận chuyển kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp nhanh nhất./.
TTXVN
- 4 loại trái cây có thể hạ cholesterol và huyết áp cùng lúc (05/11)
- Nên tắm nước nóng hay nước lạnh sau khi tập thể dục? (05/11)
- Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích (05/11)
- Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ nhỏ không được bỏ qua (04/11)
- Đối ngoại y tế - nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (04/11)
- Bí mật sống thọ của người trăm tuổi hóa ra là thứ thường có trong bếp (03/11)
- Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất (03/11)
- 4 loại thực phẩm giàu protein mà người tập gym không nên ăn nhiều (03/11)