31/12/2023 - 11:18

Năm 2023 đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, bộ đã trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành Quốc gia (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc đã khởi công 26 dự án; hoàn thành 20 dự án (đường bộ 17 dự án, hàng hải 1 dự án; đường thủy 2 dự án ), trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km.

Số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 94.161 tỷ đồng, vượt rất nhiều so với kế hoạch xây dựng của bộ (khoảng 71.000 tỷ đồng), lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021), Bộ trưởng cho rằng đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới được khởi công, công tác giải phóng còn chậm, thiếu nguồn vật liệu, thời tiết và thiên tai diễn biến hết phức tạp khó lường, nội lực của các doanh nghiệp gặp nhiều “thử thách”…

Tuy nhiên, nhất quán mục tiêu, phấn đấu giải ngân tối đa số vốn được giao, tối thiểu phải đạt được 95% và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, Bộ Giao thông Vận tải đã linh hoạt thực hiện điều chuyển kịp thời vốn từ các dự án chậm giải ngân; chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án xây dựng tiến độ giải ngân cụ thể hàng tháng bám sát thực tế…

“Vì vậy, kết quả giải ngân hàng tháng của bộ luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước. Đến hết tháng 12/2023 ước giải ngân của bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Đưa ra nhiệm vụ năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; phấn đấu khởi công, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch năm 2024, trong đó hoàn thành đưa vào khai thác 129km của 2 Dự án thành phần đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2021km.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đường sắt Tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến Đường sắt quan trọng Quốc gia như Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, Long Thành-Thủ Thiêm, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đồng thời phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nam-2023-dot-pha-trong-dau-tu-ket-cau-ha-tang-giao-thong-post918283.vnp

Chia sẻ bài viết