Cần biết: 10 khuyến cáo về phòng chống dịch trong và sau bão, lũ của Bộ Y tế
Theo Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Dưới đây là 10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung sau bão lũ của Bộ Y tế.
Theo tài liệu truyền thông của Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh. Mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.
Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa bão và lũ lụt là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai.
Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động, tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, dịch trong bão lụt và mưa lũ, cụ thể:
Năm 2020, Bộ Y tế xây dựng các Infographic khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh mùa bão, lụt và xử lý nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường sau bão lụt.
10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung sau mưa bão và lũ lụt của Bộ Y tế
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước;
7. Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
8. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.
9. Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Phòng chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa
Các bệnh thường gặp trong và sau mưa bão, lũ là tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A. Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm
- Để phòng bệnh, phải đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc "Ăn chín, uống chín", đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Đảm bảo đủ nuớc sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết.
- Uống hoặc tiêm vaccine phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vaccine.
Phòng chống bệnh đường hô hấp
Các bệnh thường gặp là cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp
- Phòng bệnh bằng cách giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già
- Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp.
- Đảm bảo đủ dinh dưỡng
- Chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng và tử vong
Phòng chống bệnh về mắt
Các bệnh thường gặp là đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ.
- Phòng bệnh bằng cách không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn.
- Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn.
- Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.
- Không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ.
- Tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
- Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.
Phòng chống bệnh ngoài da
Các bệnh thường gặp: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt.
Phòng bệnh:
- Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát.
- Không mặc áo quần ẩm ướt.
- Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da mà còn gây ra bệnh đường tiêu hoá do nuốt phải nước bẩn.
- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.
Phòng chống bệnh do muỗi truyền
Bệnh thường gặp là sốt xuất huyết:
- Phòng bệnh bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày.
- Diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng.
- Phun hoá chất diệt muỗi ở các nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.
Cũng liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo khám chữa bệnh và phòng chống dịch trong bão lũ, ngày 26/9, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm 2022. Bộ Y tế cho biết những tháng cuối năm 2022 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 và 11/2022. Bộ Y tế yêu cầu cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu, duy trì phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết... Tối 26/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc triển khai hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước đó, ngày 25/9, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế từ Quảng Ninh đến Bình Thuận trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; Đồng thời duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức phòng chống lụt bão. |
Theo Sức khỏe và Đời sống
- Tại sao một số người chóng mặt sau khi ăn? (29/12)
- 4 chất dinh dưỡng ngoài protein giúp phát triển cơ bắp (29/12)
- Thuốc mới có tác dụng kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt (28/12)
- Bác sĩ chỉ ra lượng caffeine trong từng loại cà phê, lưu ý cách dùng tốt nhất (28/12)
- 4 dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang nạp quá nhiều protein (28/12)
- Hai hóa chất độc hại nào không nên sử dụng để ngâm giá đỗ? (27/12)
- Ăn gì buổi sáng để gan khỏe? (27/12)
- Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sởi (27/12)