Tiếng Việt | English

27/08/2018 - 14:31

Bất cập trong quản lý điện: Bài 1 - Kinh doanh bằng tài sản Nhà nước nhưng không phải đóng thuế?

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra tình trạng thu giá điện chênh lệch khi xông đèn thanh long và giá điện tại nhà trọ quá cao, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, bức xúc trong người dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An xảy ra tình trạng một số cá nhân sở hữu nhiều trạm biến áp (TBA) điện, cho người dân thuê xông thanh long với giá cao. Vô hình trung, những cá nhân này mang tài sản Nhà nước (nguồn điện năng) kinh doanh nhưng không chịu sự kiểm soát và cũng không phải đóng bất kỳ khoản thuế nào.

Huyện Châu Thành có 8.300 ha thanh long, do đó nhu cầu sử dụng điện xông đèn thanh long là rất cao

Huyện Châu Thành có 8.300 ha thanh long, do đó nhu cầu sử dụng điện xông đèn thanh long là rất cao

Vấn đề này được các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa IX tổ chức vào ngày 12 và 13-7-2018. Trước đó, đại biểu HĐND huyện Châu Thành cũng nhiều lần chất vấn ngành điện nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Xông đèn thanh long với giá cao

Việc xông đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ, mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với chính vụ nhưng kéo theo đó là nhu cầu điện để xông đèn thanh long rất cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành có trên 429km đường dây điện trung thế, gần 259km đường dây điện hạ thế, 2.306 TBA phục vụ xông đèn thanh long với tổng công suất 167,6MVA, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số cá nhân sở hữu nhiều TBA cho người khác thuê lại để xông đèn thanh long với giá cao.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Trương Văn Biết cho biết: “Để xảy ra tình trạng một người sở hữu nhiều TBA là do cá nhân đó không đứng ra đăng ký mà nhờ người thân đứng tên thay nên rất khó xử lý. Trong đó, một số hộ đầu tư xây dựng TBA không chỉ phục vụ gia đình mà còn cho các hộ khác thuê lại với giá điện cao gấp đôi giá của công ty điện lực niêm yết thu (giá niêm yết là 1.700 đồng/kWh). Vấn đề là những hộ này sử dụng tài sản của Nhà nước để kinh doanh nhưng không ai kiểm soát và cũng không phải đóng thuế”.

Đây là bất cập diễn ra trong thời gian dài, mặc dù địa phương phát hiện và nhiều lần kiến nghị với Điện lực Châu Thành qua tiếp xúc cử tri và tại các kỳ họp HĐND nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp kiểm soát, xử lý hiệu quả. Anh Lê Văn Khuyên, ngụ ấp 1, xã Hòa Phú, bộc bạch: “Việc hạ thế điện để xông đèn thanh long là nhu cầu của người dân Châu Thành. Lợi dụng tình hình này, một số hộ dân có TBA lại đem nguồn điện đi kinh doanh với giá cao. Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân”.

Đầu tư sau, phải kéo điện đi vòng

Toàn huyện Châu Thành hiện có trên 8.300ha thanh long, do đó nhu cầu sử dụng điện để xông đèn thanh long trái vụ là rất cao. Nhằm chủ động trong sản xuất, nhiều hộ dân muốn đầu tư hạ bình mới phục vụ xông đèn thanh long nhưng không được Điện lực huyện chấp thuận với lý do “đã có đường điện rồi” và không cho phép kéo 2 đường dây điện song trùng trên cùng một tuyến. Vì vậy, các hộ dân này buộc phải thỏa thuận với chủ của TBA hiện hữu, thuê lại để sử dụng với giá điện cao. Nếu không muốn bị lệ thuộc thì người dân phải kéo đường dây điện khác đi vòng, mất rất nhiều chi phí đầu tư.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội - Đỗ Phúc Hậu, những năm gần đây, sau khi được ngành điện quan tâm xây dựng TBA 110kV Tầm Vu, việc sử dụng điện xông đèn thanh long của người dân trên địa bàn tương đối thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân gặp khó khăn trong việc hạ thế điện, nhất là những trường hợp xin đấu nối vào đường dây hạ áp đã có trước đó. Người dân nhiều lần làm đơn kiến nghị và địa phương cũng báo cáo lên cấp trên để xem xét, giải quyết nhưng chưa có kết quả.

Đơn cử như đường dây hạ áp của hộ ông Nguyễn Văn Luyến, ngụ ấp Vĩnh Xuân B, hiện có 4 bình điện trung thế đang sử dụng. Khi ông Nguyễn Văn Kính, ngụ cùng địa phương, xin đấu nối vào đường dây này thì một số hộ có bình điện không đồng ý vì “sợ thiếu điện”. Hay như đường dây hạ áp của hộ ông Đỗ Văn Tiền, ngụ ấp Mỹ Xuân, hiện có 3 bình điện đấu nối vào đây. Thời gian qua, ông Đỗ Tường Quang, ngụ cùng ấp Mỹ Xuân, xin đấu nối vào để có điện sử dụng nhưng ông Tiền không cho với lý do “đường dây sẽ không đủ tải”.

Huyện Châu Thành có 8.300 ha thanh long, do đó nhu cầu sử dụng điện xông đèn thanh long trái vụ là rất cao. Ảnh: An Kỳ

 Chi phí tăng thêm hơn 40 triệu đồng nếu kéo đường dây điện đi vòng. Ảnh: An Kỳ

Do chủ sở hữu của TBA hiện có không đồng ý cho đấu nối vào, trong khi giá điện cho thuê lại quá cao, các hộ như ông Kính, ông Quang phải tìm đường khác để hạ bình, dẫn đến chi phí đầu tư cao hơn rất nhiều. Ông Kính bức xúc: “Đường dây hạ áp của ông Luyến đi ngang qua thửa đất của tôi. Ban đầu, ông có hứa sẽ cho các hộ có đường dây điện đi qua đấu nối vào khi có nhu cầu. Trước đây, do không có đủ vốn đầu tư nên tôi chưa hạ bình, nay tôi xin đấu nối vào thì ông Luyến lại không cho. Vì vậy, tôi phải kéo đường dây điện đi vòng, chi phí tăng thêm hơn 40 triệu đồng, trong khi chi phí hạ bình hiện nay chỉ khoảng 100-150 triệu đồng”.

Ai hạ thế điện, người đó quản lý?

Cũng liên quan đến việc hạ thế điện, Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Trương Văn Biết thông tin thêm, từ năm 2016 trở về trước, do thiếu nguồn điện cung cấp cho xông đèn thanh long, trong khi điện lực không đủ khả năng kéo điện nên nhiều người dân tự bỏ tiền ra đầu tư. Qua thống kê, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 129 cá nhân sở hữu từ 2 TBA trở lên, cá biệt có một số cá nhân sở hữu 8 TBA, thậm chí 10 trạm và hàng trăm hộ khác sử dụng TBA xông đèn thanh long thuê cho người khác.

Tuy nhiên, một thực trạng đang diễn ra là những đường dây điện hạ áp do người dân đầu tư nhiều năm trước nay đã xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn về điện. Ông Lê Văn Quởn, ngụ ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, cho biết: “Hơn 8 năm trước, tôi và ông Trương Đình Lô đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng 2 đường dây điện hạ áp chiều dài khoảng 790m với mục đích sử dụng và cho thuê. Qua thời gian sử dụng, đường điện bị cây cối che lấp, gia đình tôi không có điều kiện duy tu, bảo quản nên muốn bàn giao cho Điện lực huyện quản lý”.

Ông Lê Văn Quởn và ông Trương Đình Lô (xã An Lục Long) đầu tư xây dựng 2 đường dây điện hạ áp có chiều dài 790m trên tuyến lộ Cầu Đôi - Cầu Hàng và kênh Chiến Đấu

Ông Lê Văn Quởn và ông Trương Đình Lô (xã An Lục Long) đầu tư xây dựng 2 đường dây điện hạ áp có chiều dài 790m trên tuyến lộ Cầu Đôi - Cầu Hàng và kênh Chiến Đấu

Thời gian qua, mặc dù ông Quởn làm đơn đồng ý bàn giao lại đường dây hạ áp cho điện lực, thậm chí không đòi hỏi phải hoàn lại chi phí đầu tư ban đầu nhưng vẫn không được chấp nhận. Lý do vì sao không tiếp nhận đường dây hạ áp, đến nay vẫn chưa được trả lời thỏa đáng, trong khi người dân tha thiết muốn bàn giao để bảo đảm an toàn lưới điện. Theo ông Trương Văn Biết, không phải ai cũng “dễ chịu” như ông Quởn, hầu hết đều không muốn bàn giao hoặc cho các hộ dân khác đấu nối vào đường dây điện của mình, vì khi nhiều người dân hạ bình thì những hộ này không cho thuê lấy lời được nữa.

Thực tế, việc thỏa thuận với các chủ bình cũ để đấu nối vào đường dây hạ áp là rất khó. Đối với những hộ đồng ý thì lấy giá điện rất cao vì đang ở thế “độc quyền”. Để xảy ra những vấn đề này cho thấy sự buông lỏng trong công tác quản lý, thiếu sự phối hợp giữa các ngành và địa phương, nhất là ngành công thương, thuế và điện lực. Qua phản ánh của đại biểu HĐND tỉnh và người dân, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát, chấn chỉnh, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, phát triển kinh tế một cách lành mạnh và bền vững./.

(còn tiếp)

Bài 2: “Máy chém” giá điện nhà trọ

An Kỳ - Thanh Nga

Chia sẻ bài viết