Tiếng Việt | English

12/12/2016 - 09:56

Sức bật từ phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp hội viên ND giảm nghèo. Phong trào tạo sức bật mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn.


Chuyển giao khoa học-kỹ thuật về trồng cây mè cho nông dân

Giai đoạn 2012-2016, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An có 50.680 lượt hộ đăng ký danh hiệu NDSXKDG các cấp, tăng 4.474 hộ so với giai đoạn 2007-2011, bình quân hàng năm có 77% ND đăng ký tham gia phong trào. Qua bình xét, có trên 50,17% số hộ đạt danh hiệu NDSXKDG ở 4 cấp (tăng 9,81% so với giai đoạn trước) và có 38 tập thể, 456 cá nhân được biểu dương, khen thưởng.

5 năm qua, các cấp Hội ND trong huyện tích cực phối hợp các ngành chức năng tăng cường các hoạt động hỗ trợ ND phát triển sản xuất như: Tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT), dạy nghề, đầu tư vốn, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm,... với tổng số 110 lớp IPM, hơn 790 cuộc chuyển giao KHKT và 61 lớp dạy nghề. Song song với việc hỗ trợ KHKT thì việc huy động các nguồn vốn như: Vốn xoay vòng trong nội bộ ND, quỹ hỗ trợ ND, vốn ủy thác của phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội,... để hỗ trợ ND phát triển sản xuất cũng được huyện đặc biệt quan tâm.


Dạy nghề trồng nấm rơm cho nông dân

Một trong những điển hình của phong trào là hộ ông Tăng Văn Mãi, ở ấp 5, xã Mỹ Quý Đông. Là hộ nghèo của xã nhiều năm liền, năm 2013, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, gia đình ông đầu tư đào ao nuôi cá và chăn nuôi bò. Đến cuối năm, gia đình ông thoát nghèo. Hiện tại, ông có 2,4ha đất sản xuất lúa, 4 con bò cái, 4 heo nái, 45 heo thịt và 2.000m2 ao nuôi cá, bình quân thu nhập mỗi năm 85 triệu đồng.

Để sản xuất luôn đạt kết quả cao, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn về sản xuất do Hội Nông dân huyện tổ chức. Từ đó, ông tiếp thu và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa hạn chế được những rủi ro trong quá trình sản xuất. Liên tục 3 năm liền, ông được công nhận NDSXKDG cấp huyện.

Hộ ông Nguyễn Văn Tính, ngụ ấp 2, xã Bình Hòa Nam cũng là một trong những hộ sản xuất hiệu quả và đạt danh hiệu NDSXKDG. Gia đình ông chuyển đổi từ sản xuất lúa sang phát triển 1,8ha chanh. Để sản xuất hiệu quả, ông tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng chanh và tham quan các mô hình do Hội ND xã tổ chức. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng từ 1,8ha chanh.

Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động nhàn rỗi tại địa phương, ông Tính còn vận động các hộ trồng chanh xung quanh liên kết làm đê bao chống lũ, vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, ông vận động người dân trong ấp đóng góp 60 triệu đồng để rải đá tuyến đường Thanh Hải.

Phó Chủ tịch Hội ND huyện Đức Huệ - Lê Thị Ngọc Tỏ cho biết: “Hội ND huyện tiếp tục tuyên truyền đến hội viên về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào để ND tích cực tham gia; vận động hội viên xây dựng các loại hình kinh tế hợp tác, trang trại để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững hơn; đẩy mạnh liên kết 4 nhà, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào NDSXKDG, đòi hỏi toàn thể cán bộ và hội viên phải phát huy nội lực, liên kết để sản xuất hiệu quả”./.

Kim Tiến

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích