Cụm công nghiệp Hoàng Gia hiện vẫn chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước tập trung
CCN Hoàng Gia kéo dài thời gian khắc phục
CCN Hoàng Gia đi vào hoạt động từ năm 2004 trên địa bàn xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành hệ thống khu xử lý nước thải tập trung. Trước đó, tháng 12-2006, chủ đầu tư CCN Hoàng Gia cam kết đến tháng 3-2007 sẽ hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và đưa vào vận hành, nhưng đó cũng chỉ là “lời hứa suông”. Đến tháng 11-2007, chủ đầu tư CCN Hoàng Gia tiếp tục cam kết đến tháng 8-2008 sẽ hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và đưa vào vận hành, nhưng đến nay vẫn không tiến triển,...
Qua tìm hiểu, được biết, UBND tỉnh đã nhiều lần ra quyết định xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với chủ đầu tư CCN Hoàng Gia. Chẳng hạn như: Năm 2008, bị xử phạt 25,5 triệu đồng, đến năm 2010, bị xử phạt 235 triệu đồng… Ngoài ra, cuối năm 2010, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN&MT đã kiểm tra và kết luận, CCN Hoàng Gia có nhiều vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và chuyển hồ sơ đề nghị tỉnh Long An xử phạt.
Lý do mà chủ đầu tư CCN Hoàng Gia đưa ra là đang khó khăn về kinh tế nên chưa thể xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư thứ cấp trong CCN, gây ô nhiễm môi trường mà còn gây khó khăn, gánh nặng cho các cơ quan Nhà nước.
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành liên quan đã nhiều lần tổ chức họp bàn để tìm cách tháo gỡ, hướng dẫn chủ đầu tư CCN Hoàng Gia xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. “Từ sự quyết liệt của tỉnh, CCN Hoàng Gia cũng triển khai thi công khu xử lý nước thải tập trung. Thời gian qua, các ngành chức năng thường xuyên giám sát chủ đầu tư thực hiện nhanh khu xử lý nước thải tập trung. Đến nay, phần xây dựng đạt 90%, phần lắp đặt thiết bị đạt 40%”, Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phan Nhân Duy cho biết.
Theo giải trình của công ty, do Luật Đất đai sửa đổi chuyển từ hình thức sử dụng đất giao sang đất thuê nên doanh nghiệp thứ cấp không đồng ý thanh toán tiền cho Công ty TNHH Hoàng Gia, có một số doanh nghiệp hủy hợp đồng hoặc chỉ nhận đủ số đất tương đương với số tiền đã thanh toán. Do đó, Công ty TNHH Hoàng Gia không thu hồi được các khoản nợ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp nên thiếu vốn đầu tư, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Theo thông tin từ Sở TN&MT, trong thời gian chờ UBND tỉnh phê duyệt giá đất thuê để được ký hợp đồng thuê đất phần diện tích còn lại, đồng thời ký hợp đồng cho thuê lại đất với các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước đây và thu hồi nợ để có nguồn vốn tiếp tục đầu tư lắp đặt thiết bị cho hệ thống xử lý nước thải thì công ty đang xin gia hạn thời gian hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đến tháng 6-2016.
Thường xuyên kiểm tra nhà máy Tâm Sinh Nghĩa
Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, đóng ở ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa được triển khai thi công từ năm 2011, theo thiết kế quy mô công suất tiếp nhận và xử lý 300 tấn rác/ngày. Mặc dù chưa hoàn thành nhưng đến tháng 1-2012, nhà máy bắt đầu tiếp nhận rác.
Thời gian qua, nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đã ra sức xử lý lượng rác tồn đọng nhưng vẫn chưa xong
Do hoạt động trong điều kiện các công trình xử lý rác còn dở dang nên gây ô nhiễm môi trường. Trước thực tế này, tỉnh đã thống nhất phương án buộc công ty phải cam kết khẩn trương thực hiện các bước xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tỉnh đã hỗ trợ công ty thực hiện các dự án như xây dựng đường kết nối từ Quốc lộ 62 vào nhà máy; lắp đặt đường dây điện và trạm hạ thế; ứng trước một số kinh phí xử lý rác cho công ty.
Thời gian gần đây, Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục đáp ứng cho việc xử lý rác, hoàn thiện và đưa các công trình khống chế ô nhiễm môi trường đi vào vận hành. Để bảo đảm hoạt động của nhà máy không ảnh hưởng đến môi trường trong mùa mưa, ngày 6-4-2015, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan yêu cầu công ty thực hiện ngay một số việc nhằm hạn chế ô nhiễm như dùng bạt che chắn các đống rác lộ thiên; thường xuyên phun xịt hóa chất khử mùi và ruồi; vận hành dây chuyền phân loại rác tự động; vận hành liên tục lò đốt rác với công suất đốt tối thiểu là 140 tấn rác/ngày, bảo đảm đốt hết lượng rác tiếp nhận hàng ngày và một phần rác tồn đọng tại nhà máy; thu gom và xử lý khí thải phát sinh tại lò đốt đạt quy chuẩn môi trường.
Ngày 22-5-2015, Sở TN&MT đã có văn bản nhắc nhở, yêu cầu công ty đến 31-5-2015, cải tạo hoàn tất hệ thống xử lý nước thải bảo đảm nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn và tái sử dụng tại nhà máy, không thải ra môi trường. Ngày 30-6-2015, Sở TN&MT tiếp tục kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Tâm Sinh Nghĩa.
Theo đó, đoàn kiểm tra nhận thấy, chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận tại nhà máy trên 170 tấn/ngày và lò đốt hoạt động với công suất 100 tấn/ngày (do mùa mưa nên lò đốt hoạt động không hiệu quả) dẫn đến chất thải tiếp tục tồn đọng và công ty không còn diện tích nhà xưởng để lưu chứa nên đổ đống phía sau hệ thống xử lý nước thải làm ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của công ty, để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng phải mất thời gian từ 12-15 tháng (không tiếp nhận rác mới), tức là đến khoảng tháng 6-2016 mới hoàn tất.
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phan Nhân Duy cho biết, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương xem xét giảm lượng rác tập kết về Nhà máy xử lý chất thải rắn Tâm Sinh Nghĩa và chuyển lượng rác phát sinh đến Nhà máy xử lý chất thải rắn Đa Phước hoặc Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp - TP.HCM. Đồng thời, yêu cầu công ty xây dựng nhà xưởng và lắp đặt hệ thống ủ phân compost theo dự án đầu tư ban đầu của công ty và thực hiện các biện pháp khống chế ô nhiễm như trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; yêu cầu công ty nghiên cứu lắp đặt thêm một lò đốt dự phòng để đốt hết chất thải phát sinh hằng ngày khi lò đốt cũ tạm ngưng để sửa chữa hoặc bảo trì./.
Lê Đức
Xem thêm>>
Bài 1: Không để phát sinh điểm đen, nóng, nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường