Bài toán đặt ra cho ngành hiện nay là giải quyết căn bản những bức xúc của người tiêu dùng: Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả; chất cấm, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, thịt gà, thủy sản nuôi,... Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có như vậy mới tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Giảm mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng
Nâng cao ý thức
Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy, để bảo đảm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp thì rất cần ý thức của người sản xuất khi sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Ông Huỳnh Văn Minh, ngụ ấp 1, xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ cho biết: “Hiện nay, nông dân sản xuất chân chính rất quan tâm đến vấn đề sử dụng thuốc BVTV, chất cấm trong chăn nuôi. Vì nếu sử dụng chất cấm sẽ gây nguy hiểm cho người tiêu dùng”.
Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, vận động hướng dẫn người sản xuất an toàn, không sử dụng hóa chất, kháng sinh, chất cấm.
Bên cạnh đó, thông qua dự án Lifsap, ngành nông nghiệp đã tổ chức 4 hội nghị truyền thông nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải và ATTP với 312 người tham dự; 2 lớp tập huấn kiến thức về sản xuất bảo đảm vệ sinh ATTP cho 56 hộ chăn nuôi; hỗ trợ 38 nhóm GAP với 718 hộ thành viên tham gia xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP.
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi để sản xuất an toàn
Xử lý nghiêm vi phạm
Bên cạnh việc nâng cao ý thức người dân, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp khi phát hiện có vi phạm.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh số cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã kiểm tra, xếp loại 2.666 cơ sở, đạt 86,6%. Trong đó, cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp là 2.222 cơ sở, đạt 87%; sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản 444 cơ sở, đạt 85%.
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp là góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh nhận định: “Trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo; các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP đã giúp cho các cơ sở kịp thời khắc phục sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị sản xuất; công nhân được xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe theo quy định,... Trong thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm, sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo hướng tập trung vào một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến,... bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật.
Trong 9 tháng qua, ngành chức năng tiến hành kiểm tra chuyên ngành, đã xử lý 284 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1.056 triệu đồng. Trong đó, lĩnh vực vật tư nông nghiệp kiểm tra 843 lượt cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 132 trường hợp do kinh doanh thuốc BVTV sai nhãn, thuốc ngoài danh mục,...; lĩnh vực ATTP đã kiểm tra 962 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, giết mổ, đã lập biên bản 152 trường hợp vi phạm hành chính về ATTP, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch. |
Lê Huỳnh