Các vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai vẫn trong tình trạng phức tạp dẫn đến việc khởi kiện ngày càng nhiều, làm tăng số lượng các vụ án dân sự sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân tỉnh
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Thông tin từ TAND tỉnh, năm 2023, TAND tỉnh thụ lý 845 vụ việc dân sự, đã giải quyết 728 vụ việc, đạt 86,15%. Trong đó, án dân sự sơ thẩm thụ lý 279 vụ, giải quyết 165 vụ, đạt 59,1%. So cùng kỳ năm 2022, án dân sự sơ thẩm thụ lý tăng 6 vụ việc, giải quyết tăng 6 vụ việc, tỷ lệ giải quyết tăng 0,9%. Nếu chỉ tính riêng tỷ lệ giải quyết án dân sự sơ thẩm thì mặc dù số lượng giải quyết loại án này có tăng nhưng tỷ lệ còn quá thấp. Sở dĩ việc giải quyết án dân sự sơ thẩm đạt tỷ lệ thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Theo Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh - Trần Văn Quán, nguyên nhân lớn nhất đến từ việc thu thập chứng cứ còn chậm, chờ kết quả đo đạc, chờ trả lời của các cơ quan có liên quan gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Để giải quyết toàn diện, chính xác, khách quan các vụ việc dân sự liên quan đến QSDĐ đòi hỏi thẩm phán được phân công giải quyết phải xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc nhằm xác định diện tích và vị trí thửa đất tranh chấp để bảo đảm cho công tác thi hành án.
Tuy nhiên, khi TAND trưng cầu công ty đo đạc đo vẽ theo yêu cầu của đương sự, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương thường không cử người tham gia khảo sát thực địa cùng TAND nhưng khi thẩm tra kết quả đo đạc để phê duyệt bản vẽ thường sẽ yêu cầu cơ quan chuyên môn nhiều lần sửa đổi bản vẽ, bổ sung tài liệu có liên quan. Điều này dẫn đến mất nhiều thời gian giải quyết vụ án.
Thực tiễn trong công tác xét xử, nhiều trường hợp, TAND phải tạm đình chỉ kéo dài để chờ kết quả đo đạc làm cơ sở giải quyết vụ án, dẫn đến tăng số lượng án tồn chưa được giải quyết. Trong khi đó, về thu thập chứng cứ là hồ sơ cấp QSDĐ có liên quan, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai trong một số trường hợp chưa quản lý chặt chẽ công tác lưu trữ, hồ sơ về thửa đất không đầy đủ, bị thất lạc, đứt đoạn thông tin khá phổ biến, thông tin trong hồ sơ về thửa đất chưa đầy đủ, chưa chính xác.
Tại một số địa phương còn tình trạng cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhầm đối tượng, cấp sai mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ chồng chéo dẫn đến việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hủy giấy chứng nhận QSDĐ và công nhận QSDĐ cho người dân gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện nay, trong các vụ án dân sự, đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ chứng cứ cho TAND nhưng trên thực tế, quy định này gặp nhiều bất cập. Phần lớn các đương sự không thể trực tiếp đề nghị cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến phần đất tranh chấp mà phải có văn bản yêu cầu cung cấp chứng cứ của TAND.
Các cơ quan hành chính nhà nước là nơi lưu giữ những tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc tranh chấp nhưng chưa tích cực hợp tác trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của TAND, có trường hợp TAND phải làm công văn đề nghị cung cấp tài liệu nhiều lần.
Khi cơ quan chức năng có thẩm quyền không cung cấp được những thông tin cần thiết về phần đất tranh chấp cho TAND hoặc cung cấp không chính xác sẽ gây trở ngại lớn cho việc giải quyết chính xác và đúng thời hạn luật định các vụ tranh chấp về đất đai.
Ngoài ra, trong giải quyết án dân sự sơ thẩm còn có nhiều trường hợp đương sự không hợp tác; nhiều vụ án có quan hệ tranh chấp phức tạp, đan xen với nhiều bên tham gia dẫn đến khó khăn cho TAND khi thụ lý vụ án; người khởi kiện không xác định được chính xác địa chỉ; nhiều vụ án dân sự sau khi án bị hủy, đương sự không còn ở địa chỉ cũ hoặc đã chết nhưng không xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ;...
Tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết
Ông Trần Văn Quán cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh, trước hết, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa TAND và các cơ quan chức năng trong việc thu thập chứng cứ. Qua thực tiễn xét xử cho thấy, việc phối hợp giữa TAND với các cơ quan hành chính thường chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, cần có biện pháp thích hợp, hiệu quả đối với những trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ mà thiếu sự hợp tác hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật.
Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn để bảo đảm tiến độ giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai. Trong một số trường hợp, các cơ quan liên quan cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan theo đơn đề nghị của đương sự trong vụ án để rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Một trong những giải pháp thiết thực để hạn chế tranh chấp cũng như đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, giảm tranh chấp, khiếu kiện; thực hiện tốt công tác hòa giải tại tòa nhằm rút ngắn thời gian giải quyết án.
Các cơ quan chức năng cũng cần tập trung các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ để hạn chế thấp nhất những vụ việc tranh chấp, gắn với hoàn thiện dữ liệu dân cư, kịp thời cung cấp thông tin cho TAND nhằm giải quyết các vụ việc hiệu quả và chất lượng cao.
Ngoài ra, đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, bên cạnh việc xử lý bằng biện pháp hành chính cũng cần có quy định trình tự, thủ tục mà TAND cần tiến hành khi có đương sự cản trở hoạt động thu thập chứng cứ của TAND. Đặc biệt, các ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của đương sự và các bên liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Từ đó, giúp hạn chế các phát sinh, gây ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án dân sự./.
Kiên Định