Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều phát biểu tại buổi giám sát việc chấp hành pháp luật trong xét xử các vụ án dân sự giai đoạn 2016-2022 trên địa bàn huyện Đức Hòa
Án dân sự liên tục tăng
Những năm qua, tỉnh được đánh giá là địa phương phát triển năng động với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh, nhất là tại các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, thu hút một lượng lớn công nhân, lao động nhập cư làm việc. Cùng với sự phát triển kinh tế, các tranh chấp dân sự của người dân cũng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp hơn.
Tại huyện Bến Lức, nếu như năm 2016, tổng số vụ việc dân sự phải thụ lý chỉ có 974 vụ thì từ năm 2017 đến nay, số vụ việc dân sự được TAND huyện thụ lý hàng năm đều vượt trên 1.000 vụ, có năm lên đến gần 1.500 vụ. Theo Chánh án TAND huyện Bến Lức - Lê Hùng Cường, trước thực trạng án thụ lý tăng qua các năm, TAND huyện tập trung triển khai chương trình của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh xác định vai trò quan trọng của Tòa án trong thực hiện quyền tư pháp nhằm thực hiện hiệu quả, nghiêm túc những nguyên tắc căn cốt trong hoạt động xét xử, nâng cao uy tín của TAND - cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng hệ thống TAND chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính.
Trong các cuộc họp hàng tháng, TAND huyện quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ xét xử phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng và tranh tụng công khai tại phiên tòa trên cơ sở thực hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp; khắc phục triệt để việc để án quá hạn luật định, từng bước nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế án hủy, án cải sửa với lỗi chủ quan. Từ đó, công tác xét xử của Tòa án có nhiều chuyển biến tích cực. Việc ra bản án, quyết định của Tòa án bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, tạo sự công bằng xã hội, bản án luôn có tính thuyết phục cao. Phiên tòa được tổ chức dân chủ hơn, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.
HĐND giám sát trên địa bàn huyện Bến Lức
Tại huyện Tân Thạnh, những năm gần đây, đơn án các loại mỗi năm đều tăng 10-20%, trong đó, số lượng án dân sự chiếm đa số trong các loại án do TAND huyện thụ lý. Theo thống kê của TAND tỉnh, năm 2022, TAND 2 cấp thụ lý 14.616 vụ án các loại, giải quyết 12.525 vụ (đạt 85,69%), so cùng kỳ tăng 1.898 vụ, giải quyết tăng 3.408 vụ. Trong đó, TAND 2 cấp thụ lý 12.570 vụ việc dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, tăng 1.709 vụ; đã giải quyết 10.547 vụ (đạt 83,9%), so cùng kỳ giải quyết tăng 2.874 vụ. So với các năm trước, các vụ việc dân sự trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng gây áp lực không nhỏ cho công tác xét xử.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo Chánh án TAND huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Ngọc Ánh, địa bàn huyện giáp ranh nhiều tỉnh, tình hình an ninh, trật tự có lúc phức tạp, số lượng các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân, gia đình ngày càng tăng, nhất là trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Các vụ việc dân sự, đặc biệt là tranh chấp liên quan đến đất đai gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, ý thức chấp hành pháp luật của đương sự trong nhiều vụ việc chưa được nâng cao. Trong khi đó, các công việc phát sinh ngoài chuyên môn nhiều nhưng số lượng cán bộ, thẩm phán, thư ký không được bổ sung nên nhân sự không đủ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đa số cán bộ, công chức phải làm rất nhiều công việc dẫn đến áp lực tăng, ảnh hưởng tâm lý chung, mức độ hoàn thành công việc, chất lượng công việc, dễ dẫn đến sai sót trong giải quyết án dân sự.
Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ phục vụ việc giải quyết án còn nhiều bất cập như việc cung cấp mảnh trích đo địa chính của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và công ty đo đạc tư nhân còn chậm nên Tòa án và Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn chưa giải quyết được do chờ trích đo. Việc xem xét, thẩm định đất tranh chấp vẫn còn gặp khó khăn do đương sự không hợp tác, cản trở. Ngoài ra, công tác định giá tài sản trong một số vụ án gặp khó khăn do các thành viên Hội đồng định giá không tham gia định giá đúng thời gian đã ấn định, hoặc có tham gia nhưng không đúng chuyên môn nên cũng ảnh hưởng thời gian giải quyết vụ án.
Chánh án TAND huyện Bến Lức - Lê Hùng Cường thì cho rằng, mặc dù các năm qua, tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc của đơn vị đạt quy định nhưng không cao. Bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan thì trong nhiều vụ việc dân sự, đương sự cung cấp chứng cứ không đầy đủ, cố tình không cung cấp chứng cứ hoặc trốn tránh, không hợp tác, không đến Tòa án theo giấy triệu tập. Trong một số vụ án, địa chỉ của các đương sự có nhiều thay đổi gây khó khăn cho việc cấp phát tống đạt các văn bản tố tụng; việc cử người đại diện tham gia tố tụng trong vụ án hành chính của một số cơ quan nhà nước còn chậm trễ,...
“Trong số các vụ án dân sự đã và đang được Tòa án thụ lý liên quan đến đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất nói chung như đòi lại đất lấn chiếm ranh giới, yêu cầu mở lối đi qua bất động sản liền kề, lối chung, tuyên vô hiệu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, hủy văn bản công chứng,... Có nhiều quan hệ tranh chấp phức tạp, nhiều đương sự trong vụ án hoặc người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của các đương sự trong vụ án có địa chỉ cư trú hoặc địa chỉ liên lạc ở ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ rất cao. Quá trình tiến hành tố tụng các vụ án, các đương sự đa số không chấp hành theo giấy triệu tập, Tòa án phải tốn thời gian, công sức và chi phí tố tụng để tống đạt trực tiếp các văn bản tố tụng hoặc niêm yết các văn bản tố tụng dẫn đến các vụ án phải kéo dài thời gian giải quyết. Ngoài ra, theo định mức của TAND Tối cao, bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 7 vụ/tháng nhưng bình quân mỗi thẩm phán TAND huyện phải giải quyết 10 vụ/tháng, tạo áp lực không nhỏ về thời hạn, chất lượng giải quyết các vụ án” - ông Cường cho biết.
Trước khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự hiện nay, thông qua Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, các Tòa án cũng đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo đối với các ngành chuyên môn, nhất là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai hỗ trợ sớm cung cấp thông tin để Tòa án có căn cứ giải quyết vụ án; trong các vụ việc, cơ quan tổ chức có liên quan cần kịp thời cử người tham gia tố tụng, cử thành viên Hội đồng xem xét thẩm định, định giá tài sản giúp Tòa án giải quyết đúng thời hạn pháp luật quy định. Đồng thời, mỗi thẩm phán phải xây dựng kế hoạch giải quyết cụ thể và chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án được phân công cũng như tập trung thực hiện tốt các giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết án, nhất là đối với các loại vụ việc dân sự./.
Thông tin từ HĐND tỉnh, thực hiện chuyên đề giám sát việc chấp hành pháp luật trong xét xử các vụ án dân sự giai đoạn 2016-2022, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tổ chức giám sát tại một số đơn vị TAND, Viện Kiểm sát nhân dân, Thi hành án các huyện và các đơn vị cấp tỉnh để trao đổi, làm rõ một số vấn đề còn vướng mắc nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bảo đảm thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan.
Trong đó, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tập trung xem xét việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác xét xử các vụ án dân sự và kết quả xét xử một số vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động,... được cử tri phản ánh, xã hội quan tâm.
Từ kết quả giám sát, HĐND tỉnh sẽ có những đề xuất để hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả việc chấp hành các chính sách, pháp luật trong công tác xét xử các vụ án dân sự trên địa bàn tỉnh.
|
Kiên Định