Hòa giải viên Trần Thị Nhanh trong một phiên hòa giải, đối thoại liên quan đến tranh chấp đất đai tại Trung tâm hòa giải, đối thoại Tòa án nhân dân tỉnh (Ảnh tư liệu)
Đa dạng hình thức giải quyết tranh chấp
Luật HGĐTTTA chính thức được thông qua ngày 16/6/2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Bộ luật này gồm 4 chương, 42 điều, quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về HGĐTTTA; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia HGĐTTTA; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.
Thông tin từ TAND tỉnh, Luật HGĐTTTA là bước tiến lớn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp trong việc đa dạng các hình thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống xã hội, phù hợp với tâm lý, tình cảm và văn hóa của người Việt Nam. Với phương thức thân thiện, dựa trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, đồng thuận, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Hòa giải thành, đối thoại thành còn giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải đưa ra xét xử; kết quả hòa giải, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, vụ việc được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của người dân và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, đối với công tác thụ lý xét xử tại tòa án, việc đổi mới tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp cơ bản, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng tăng trong tình hình các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp qua từng năm.
“Các vụ án dân sự, hành chính thường có tính chất phức tạp, kéo dài, nếu không được giải quyết kịp thời thì quan hệ dân sự, hành chính sẽ trở nên gay gắt hơn. Do đó, hòa giải, đối thoại là cách để thu hẹp những bất đồng, củng cố lại mối quan hệ, tháo ngòi nổ căng thẳng trong mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên để hai bên tìm thấy tiếng nói chung. Mặt khác, hoạt động đối thoại, hòa giải còn góp phần giảm áp lực công việc cho tòa án hai cấp, tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, xây dựng, củng cố khối đoàn kết nội bộ nhân dân, ổn định tình hình chính trị tại địa phương” - Phó Chánh án TAND tỉnh - Phan Ngọc Hoàng Đình Thục cho biết.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để đưa luật vào cuộc sống
Thông tin từ TAND tỉnh, thời gian qua, TAND 2 cấp tỉnh Long An tập trung nhiều giải pháp để quán triệt, triển khai luật đến cán bộ trong toàn ngành cũng như phối hợp mời các cơ quan liên quan, đặc biệt là lãnh đạo các xã, phường, thị trấn và cán bộ tư pháp - những người trực tiếp tiếp nhận, giải quyết từ đầu những mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống xã hội tham gia các hội nghị triển khai để họ hiểu và có trách nhiệm thực hiện tốt công tác hòa giải, đối thoại, tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới khởi phát. Đồng thời, TAND 2 cấp tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật HGĐTTTA và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để sớm đưa luật này vào cuộc sống, góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết và hòa giải thành các vụ việc tại tòa.
Bên cạnh đó, đến nay, TAND tỉnh lựa chọn được 72 người đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiêu chuẩn được quy định trong luật và được tập huấn các khóa do TAND Tối cao tổ chức để bổ nhiệm hòa giải viên. Trong đó, đa số hòa giải viên đều là những người am hiểu pháp luật, từng trải qua các công việc liên quan đến pháp luật như kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán đã nghỉ hưu, có bề dày kinh nghiệm cùng các hòa giải viên có uy tín cao trong cộng đồng dân cư nhằm đáp ứng yêu cầu công tác hòa giải, đối thoại.
Hòa giải viên Trần Thị Nhanh - Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh, cho biết: “Từ thực tế công tác hòa giải, đối thoại trong thời gian thí điểm cũng như qua thực hiện các vụ việc hòa giải, đối thoại trong những năm qua, hoạt động hòa giải, đối thoại thực sự rất cần thiết trong giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện dân sự. Tuy nhiên, để hòa giải thành giúp các đương sự, mỗi hòa giải viên phải có sự nhiệt tình, tâm huyết và chịu khó tìm hiểu để nắm chắc vụ việc mình giải quyết, yêu cầu của người khởi kiện và hiểu được nguyên nhân dẫn đến vụ việc. Đồng thời, hòa giải viên cũng phải là người nắm chắc và am hiểu pháp luật, phong tục, tập quán của địa phương. Để từ đó, vừa phân tích vụ việc, vừa động viên, thuyết phục 2 bên đương sự cả về lý và tình nhằm tìm một giải pháp chung cho cả 2 bên mà không cần thực hiện các trình tự tố tụng khác”.
Theo Phó Chánh án TAND tỉnh - Phan Ngọc Hoàng Đình Thục, thời gian qua, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy cũng như Ban lãnh đạo TAND tỉnh tập trung tốt mọi công tác chuẩn bị, nhất là về cơ sở vật chất để thuận lợi cho việc triển khai thi hành luật này. Trong đó, 15/15 tòa án cấp huyện và TAND tỉnh chuẩn bị phòng hòa giải, đối thoại và phòng làm việc cho hòa giải viên. Tại các phòng làm việc đều được trang bị máy vi tính, bàn ghế, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến trung tâm hòa giải, đối thoại cảm thấy thoải mái, thân thiện nhất, sẵn sàng chia sẻ, hàn gắn rạn nứt, mâu thuẫn.
Mặc dù Luật HGĐTTTA mới được ban hành nhưng Long An có điều kiện thuận lợi, kinh nghiệm khi từng là 1 trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước được lựa chọn thực hiện thí điểm về đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trong đó, tại TAND tỉnh, TAND các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP.Tân An đều từng có các trung tâm hòa giải, đối thoại đi vào hoạt động. Trong quá trình hoạt động thí điểm, các trung tâm hòa giải, đối thoại đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.477 vụ việc; hòa giải thành 2.082 vụ việc đạt 57% trên các vụ việc đã giải quyết. Riêng trong 2 tháng đầu thực hiện Luật HGĐTTTA, người dân đã tự nguyện yêu cầu chuyển sang giải quyết bằng hình thức hòa giải, đối thoại hơn 100 vụ việc.
“Việc không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng khi giải quyết các vụ việc sẽ tạo thuận lợi cho đội ngũ thẩm phán, thư ký tòa án tập trung nghiên cứu, giải quyết các vụ việc phức tạp nâng cao chất lượng xét xử, tạo thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự khi không phải tổ chức cưỡng chế thi hành án, nhất là trong tình hình biên chế thẩm phán, cán bộ tòa án không được tăng mà còn phải tinh giản hiện nay. Song song đó, hòa giải, đối thoại thành dựa trên công tác dân vận cũng góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất những mâu thuẫn có thể phát sinh khi các tranh chấp phải giải quyết bằng việc mở phiên tòa, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, do đây là luật mới nên đa số người dân chưa nắm rõ, chưa thấy lợi ích trong việc lựa chọn hòa giải, đối thoại, còn tâm lý e ngại, mất thời gian nếu chuyển vụ việc qua hòa giải. Do đó, thời gian tới, TAND 2 cấp tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn nhằm đưa Luật HGĐTTTA thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết tốt nhất đối với những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống, xã hội” - Phó Chánh án TAND tỉnh - Phan Ngọc Hoàng Đình Thục khẳng định./.
Kiên Định