Tiếng Việt | English

16/06/2020 - 11:09

Biểu quyết Luật Thanh niên và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Tiếp tục chương trình làm việc, trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.


Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 16/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới; dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Vì vậy, để các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020, cần thiết phải có giải pháp kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Theo dự thảo Nghị quyết, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Nếu đề xuất này được áp dụng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 22.440 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí việc giảm số thuế phải nộp (30%) và áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu (dưới 50 tỷ đồng), kết hợp với tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng này.

Đây là các đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh; khả năng tiếp cận vốn, trình độ quản lý và áp dụng công nghệ còn hạn chế trong khi nhóm đối tượng này chiếm đa số trong tổng số các đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc quy định giảm 30% cho các đối tượng này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng cường nguồn lực để phát triển. Đồng thời, việc hạn chế đối tượng theo doanh thu và người lao động như dự thảo Nghị quyết cũng không gây áp lực quá lớn lên thu ngân sách nhà nước trong năm 2020.

Trước đó, thảo luận tại tổ về nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Thời gian còn lại của phiên làm việc, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam là văn bản thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia mà Việt Nam là thành viên.

Các nội dung trong dự thảo Luật bám sát các chính sách đã được đánh giá tác động của dự án Luật; nghiên cứu, tiếp thu các quy định pháp luật về công tác biên phòng, tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới của một số nước láng giềng, khu vực để vận dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Dự thảo Luật đã thể chế hóa hai nhóm chính sách lớn là thay hình thức quản lý cư trú thông qua Sổ hộ khẩu bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và chính sách quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích