Hơn 3 năm qua, tổ hợp tác trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Đức Hạnh 1, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa không ngừng phát triển, đem lại hiệu quả cao cho người dân.
Tổ hợp tác ra đời từ ý tưởng của 5 hộ dân trong ấp khi mạnh dạn chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng màu. Vừa sản xuất vừa lựa chọn loại rau màu thích nghi với vùng đất cũng như phù hợp với nhu cầu thị trường để mang lại lợi nhuận cao. Theo đó, các loại rau ăn trái được lựa chọn hàng đầu như: khổ qua, dưa leo, bầu, bí,... Năm 2012, tổ hợp tác trồng rau ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP chính thức thành lập tại ấp với sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và UBND xã.
Lúc đầu chỉ có 12 hộ dân tham gia, với tổng diện tích 5,5ha. Mỗi thành viên của tổ đều được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ 6 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh và kho chứa thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định và thường xuyên được chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ hợp tác được hợp tác xã kinh doanh rau củ quả an toàn Tân hiệp bao tiêu đầu ra nên lợi nhuận của người trồng khá cao, từ 45-60 triệu đồng/ha, gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, hiện nay, hợp tác xã này không đủ khả năng tiêu thụ hết lượng rau màu gần 5.000kg, nên người dân phải bán bên ngoài với giá bấp bênh theo biến động của thị trường.
Hiệu quả mang lại từ tổ rau an toàn theo hướng VietGaP đã giúp người dân phấn khởi canh tác và làm giàu. Vì vậy, thiết nghĩ các ngành chức năng và địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ hơn, nhất là tăng cường liên kết bốn nhà, tạo thị trường tiêu thụ ổn định để tổ hợp tác rau màu tại xã Đức Lập hạ nói riêng và các mô hình sản xuất khác nói chung có thể phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân./.
Hồng Thắm