Tiếng Việt | English

11/05/2022 - 15:00

Nâng chất hòa giải, đối thoại tại tòa án

Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án giúp giảm thủ tục, thời gian, chi phí của các bên và góp phần đắc lực giúp hệ thống tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đánh dấu bước tiến mới về quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Hiệu quả từ công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án

Luật HGĐT tại tòa án có hiệu lực thi hành từ tháng 01/2021 với các quy định được thể chế hóa, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia, phối hợp cùng tòa án tiến hành HGĐT để giải quyết các tranh chấp hành chính, hôn nhân và gia đình, dân sự, kinh doanh thương mại và lao động. Đây là chính sách mới, quan trọng và hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, đánh dấu bước tiến mới về quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Qua hơn 1 năm thực hiện, đến nay, hiệu quả từ công tác HGĐT tại tòa án góp phần đắc lực giúp hệ thống tòa án 2 cấp tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, ngay sau khi Luật HGĐT tại tòa án có hiệu lực thi hành, TAND 2 cấp tỉnh xác định việc triển khai thi hành Luật HGĐT là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành. Trong đó, TAND 2 cấp tỉnh quán triệt đầy đủ cho thư ký tòa án hoặc cán bộ được phân công tiếp công dân và nhận đơn khởi kiện phải hướng dẫn, giải thích quyền lợi cho người khởi kiện biết về quy định của Luật HGĐT tại tòa án và giải thích quyền lựa chọn hòa giải viên để tiến hành HGĐT, cũng như lợi ích của việc lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng con đường HGĐT.

Đồng thời, TAND tỉnh thực hiện tuyển chọn hòa giải viên phục vụ công tác HGĐT tại tòa án. Đến nay, TAND tỉnh tiếp nhận 76 hồ sơ đề nghị tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên của TAND 2 cấp trong tỉnh và đã quyết định bổ nhiệm 72/246 định biên. Đa số hòa giải viên được lựa chọn là những người có thời gian công tác trong các ngành Tư pháp hoặc cán bộ, lãnh đạo nghỉ hưu nên có uy tín cao trong nhân dân, kiến thức pháp luật sâu, rộng, có phương thức làm việc khoa học, giải quyết các vụ việc toàn diện, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia HGĐT.

Thống kê của TAND tỉnh Long An, từ ngày 01/01/2021 đến 31/3/2022, trong tổng số 10.644 đơn TAND 2 cấp tiếp nhận trên các lĩnh vực hành chính, hôn nhân và gia đình, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động có gần 3.000 đương sự lựa chọn thực hiện HGĐT tại tòa án. Quá trình thực hiện HGĐT tại tòa án có 46,64% HGĐT thành hoặc sau hòa giải đương sự rút đơn khởi kiện. Một số địa phương có tỷ lệ HGĐT thành cao như TAND huyện Đức Hòa 59,33%, TAND huyện Tân Hưng 70%, TAND huyện Đức Huệ 69,37%,…

Với phương thức thân thiện, dựa trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, đồng thuận, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong nhân dân

Cần khắc phục khó khăn để công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án đạt hiệu quả cao

Thực tế cho thấy, sau hơn 1 năm thực hiện công tác HGĐT tại tòa án, mặc dù TAND 2 cấp cùng các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến luật nhưng đa phần người dân còn ít quan tâm nên chưa hiểu hết được ý nghĩa, lợi ích của việc giải quyết tranh chấp tại tòa án thông qua con đường HGĐT mà muốn giải quyết tranh chấp bằng việc xét xử. Chính vì vậy, một số đương sự còn e ngại, chưa tin tưởng cũng như từ chối lựa chọn HGĐT, nhất là những vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, giao dịch về quyền sử dụng đất, nhà ở, thừa kế,... Một số trường hợp, người dân không lựa chọn HGĐT vì lo sợ không thể giải quyết tranh chấp một cách triệt để, tòa án không đủ căn cứ để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.

Thông tin từ TAND tỉnh, thời gian qua, kết quả hòa giải thành của các vụ việc chủ yếu liên quan đến vụ việc về hôn nhân và gia đình. Đối với các vụ án đất đai tỷ lệ hòa giải thấp, nguyên nhân do tranh chấp quyền sử dụng đất thường có nhiều mối quan hệ pháp luật, nhiều đương sự và phải nhiều thủ tục như đo đạc, định giá và xem xét thẩm định tại chỗ thì mới lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành. Ngoài ra, mặc dù tòa án đã hướng dẫn, phân tích về quyền lợi khi lựa chọn HGĐT theo Luật HGĐT tại tòa án nhưng người khởi kiện cũng không lựa chọn HGĐT. Thậm chí, trong một số vụ việc, khi hòa giải viên liên hệ với đương sự để mời tham dự phiên hòa giải, việc phát hành giấy mời của hòa giải viên gặp khó khăn khi đương sự không hợp tác, trốn tránh, không nhận văn bản, do đó, các vụ hòa giải không tiến hành được do một trong các bên vắng mặt và sự thiếu thiện chí của đương sự,...

Để bảo đảm hiệu quả công tác HGĐT tại tòa án, ông Lê Quốc Dũng khẳng định, thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra đối với các TAND cấp huyện trong việc triển khai, thực hiện luật để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng HGĐT cũng như bảo đảm tiến độ công tác triển khai thi hành luật được kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Đồng thời, trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tòa án 2 cấp tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền luật cho người khởi kiện, người yêu cầu để các đương sự hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà HGĐT mang lại. Từ đó, giúp các đương sự tin tưởng lựa chọn hòa giải, góp phần vào sự thành công của quá trình HGĐT tại tòa án./.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết