Tiếng Việt | English

10/05/2022 - 11:20

Nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tham gia giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Cẩn thận lật từng trang trong cuốn sổ ghi chép các vụ việc hòa giải trên địa bàn xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Võ Thị Ngọc Hân cho biết: Những năm qua, tỷ lệ hòa giải thành của xã luôn đạt trên 90%. Hầu hết vụ việc đều liên quan đến tranh chấp đất đai (lấn ranh, tranh chấp lối đi công cộng). Những vụ tranh chấp này, ban đầu, hai bên đều rất căng thẳng, không chịu lắng nghe nhau và nhất quyết đòi làm đơn kiện.

Nắm bắt được sự việc, các thành viên tổ hòa giải dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân, gặp riêng từng bên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Khi mời hai bên đến làm việc, bà Hân cùng các hòa giải viên nhắc nhiều đến tình cảm láng giềng trước kia họ dành cho nhau. Diện tích đất tranh chấp không lớn nhưng sự việc phức tạp hơn do đôi bên mất bình tĩnh, nóng giận nhất thời. Hiểu ra vấn đề, hai bên làm lành, thống nhất phương án khắc phục. Từ đầu năm 2022 đến nay, không có thư khiếu nại gửi đến UBND xã (năm 2021 là 8 vụ việc).

Các hòa giải viên cần thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật

Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành - Nguyễn Quốc Thới chia sẻ: “Những mâu thuẫn nhỏ ở xóm, làng là khó tránh khỏi, song nhờ công tác hòa giải giúp giữ hòa khí cho gia đình, giảm tải công việc cho các cấp chính quyền, cơ quan tư pháp, công an. Đặc biệt, người dân hòa thuận, đoàn kết thì việc lớn, việc nhỏ ở địa phương đều được tiến hành thuận lợi bởi có sự nhiệt tình góp công, góp sức. Các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới,... đều đạt kết quả tốt”.

Tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, thời gian qua, công tác hòa giải cơ sở cũng được quan tâm, thực hiện. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Lê Thị Tuyết Thư, người dân địa phương thường mâu thuẫn chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt nhưng do không biết phân định đúng, sai nên dẫn đến tranh cãi rồi kiện tụng nhau làm mất tình làng, nghĩa xóm. Một phần do sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, mặt khác, do bản tính nóng nảy của mỗi người nên đẩy mâu thuẫn đi xa hơn. Để hóa giải thành công những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, trước hết, người làm công tác hòa giải phải thường xuyên nâng cao hiểu biết về pháp luật.

Hiện nay, toàn xã có 6 tổ hòa giải với 30 hòa giải viên. Các tổ hòa giải được cơ cấu đầy đủ thành phần: Bí thư chi bộ, trưởng ấp, trưởng ban Mặt trận, thành viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là người có uy tín, đủ năng lực và hiểu biết pháp luật. Đa số hòa giải viên đều được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về hòa giải, có kinh nghiệm sống, có thái độ công tâm, khách quan vì lợi ích cộng đồng và tích cực, trách nhiệm trong công tác hòa giải. Năm 2021, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã hòa giải thành 12/13 vụ việc.

Bà Lê Thị Tuyết Thư cho biết: “Những năm qua, công tác hòa giải trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả tích cực, các vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ cao; mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt”.

Những vụ việc hòa giải thành không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần đoàn kết, ổn định chính trị, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát triển KT - XH, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết