Tiếng Việt | English

13/07/2022 - 10:05

Hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết vụ việc dân sự, hành chính

Từ khi ký kết quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh Long An, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh và Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, việc phối hợp công tác của các cơ quan liên quan được duy trì chặt chẽ hơn, kịp thời giải quyết được những vấn đề phức tạp, nhất là những tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Việc phối hợp giữa các cơ quan giúp tòa án giải quyết tốt các loại án

Việc phối hợp giữa các cơ quan giúp tòa án giải quyết tốt các loại án

Hiệu quả từ công tác phối hợp

Thông tin từ TAND tỉnh, những năm gần đây, tình hình thụ lý, giải quyết các loại án trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng, năm sau cao hơn năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Việc giải quyết án, nhất là các vụ việc dân sự, hành chính liên quan đến đất đai rất cần sự phối hợp của các cơ quan hành chính, UBND các cấp trong công tác cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, hỗ trợ tống đạt văn bản tố tụng, cử người tham gia tố tụng trong các vụ việc. Tuy nhiên, thời điểm trước năm 2014, việc phối hợp giữa các bên còn gặp nhiều khó khăn, gây trở ngại lớn cho công tác giải quyết án. Chính vì vậy, từ tháng 5/2014, UBND tỉnh, VKSND tỉnh và TAND tỉnh ký kết quy chế phối hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các loại án của tòa án cũng như mở rộng việc phối hợp trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, trao đổi thông tin,... Đồng thời, 15/15 đơn vị cấp huyện thống nhất ký kết quy chế phối hợp và triển khai, thực hiện.

Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, trong lĩnh vực phối hợp giải quyết án hình sự, 7 năm qua, TAND 2 cấp xét xử lưu động 8 vụ, xét xử rút kinh nghiệm 452 vụ và xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến TAND 2 cấp - VKSND 2 cấp đối với 2 vụ án. TAND và VKSND luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp từ việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn vụ án đưa ra xét xử để có nhận xét, rút kinh nghiệm chung. Đặc biệt, UBND các cấp, TAND 2 cấp và VKSND 2 cấp còn thực hiện tốt công tác phối hợp giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động,... Tính riêng từ năm 2014 đến hết năm 2021, TAND 2 cấp yêu cầu UBND cung cấp chứng cứ đối với 2.781 trường hợp, số vụ việc có kết quả là 2.741 trường hợp. Đa số văn bản trả lời và tài liệu kèm theo của UBND các cấp đáp ứng được yêu cầu của tòa án. Bên cạnh đó, TAND 2 cấp có 1.162 văn bản yêu cầu cử người tham gia tố tụng, UBND các cấp cử đại diện tham gia 1.159 vụ. Ngoài ra, sau khi quy chế phối hợp được ký kết, UBND cấp xã phối hợp hỗ trợ thực hiện cấp, tống đạt thông báo văn bản tố tụng của tòa án được trên 21.600 vụ việc.

Theo đánh giá của TAND tỉnh, từ khi ký kết quy chế phối hợp, việc phối hợp công tác của các cơ quan liên quan được duy trì chặt chẽ hơn, kịp thời giải quyết được những vấn đề phức tạp, nhất là những tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Mặc dù việc thực hiện quy chế phối hợp tạo ra bước đột phá lớn trong công tác giải quyết các loại án, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giải quyết kiến nghị khởi tố, trao đổi thông tin, tuy nhiên, từ thực tế thực hiện trong 7 năm qua, nhiều nội dung phối hợp hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

Các vụ việc liên quan đến đất đai có xu hướng tăng và ngày càng phức tạp trong những năm gần đây

Theo đó, đối với các vụ việc dân sự, hành chính, nhất là các tranh chấp liên quan đến đất đai, thông thường, UBND huyện đều giao phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu văn bản trả lời và cung cấp các tài liệu có liên quan. Mặc dù phòng Tài nguyên và Môi trường huyện có nhiều nỗ lực nhưng trong nhiều vụ việc, thời gian cung cấp tài liệu, chứng cứ có lúc còn chậm, tòa án phải nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần, có vụ việc phải tạm đình chỉ khiến đương sự bức xúc, khiếu nại. Một số văn bản trả lời, chất lượng không cao, không thể hiện rõ quan điểm của UBND huyện mà chủ yếu đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến công tác đánh giá chứng cứ khi giải quyết án. Liên quan đến việc cung cấp chứng cứ và cử người tham gia tố tụng, tính đến hết năm 2021, vẫn còn 40 trường hợp chưa cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của tòa án, 44 trường hợp chưa có văn bản cử người tham gia tố tụng và 976 vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả đo đạc, định giá, chờ cung cấp trích đo địa chính và kết quả giải quyết của các cơ quan khác,...

Trước thực tế đó, Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng cho rằng, đối với những vụ việc dân sự và vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, UBND huyện cần phân công và ủy quyền cán bộ nắm vững nội dung vụ án để tham gia tố tụng và cung cấp chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết án. Các bộ phận có liên quan như văn phòng Đăng ký đất đai cần cử cán bộ có chuyên môn phối hợp tòa án trong việc đo đạc thực tế đất đai và kịp thời ký duyệt các trích đo để tòa án làm căn cứ giải quyết án đúng thời hạn quy định. Ngoài ra, UBND các cấp cũng cần chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cử cán bộ được ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án cần sắp xếp thời gian có mặt tham dự phiên tòa. Trường hợp xin vắng mặt phải báo trước 3 ngày để tòa án kịp thời thông báo cho những người tham gia tố tụng khác, tránh gây phiền hà cho người dân./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết