Vấn đề này nhiều lần được cử tri trong tỉnh phản ánh qua các kỳ tiếp xúc cử tri và trở thành vấn đề "nóng" trong các phiên chất vấn của các kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã nhiều lần phát hiện, xử lý các trường hợp buôn bán phân bón giả, kém chất lượng với số vụ năm sau cao hơn năm trước. Điều này cho thấy, sự quyết tâm kiểm soát thị trường, tạo công bằng trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tuy nhiên cũng gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng vì chạy theo lợi nhuận mà không ít doanh nghiệp, đại lý vật tư nông nghiệp bất chấp thủ đoạn, làm ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.
Mặt khác, qua đó, cũng đặt ra vấn đề về quản lý thị trường vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón, về kiến thức của người tiêu dùng, về sự chế tài nghiêm minh của pháp luật. Mới đây, vụ việc một cán bộ trong ngành chức năng của tỉnh đã tự sửa chữa kết quả giám định, biến phân bón kém chất lượng thành bảo đảm chất lượng để "giải cứu" nhiều tấn phân bón kém chất lượng đã đặt ra câu hỏi về tính trung thực của những người thực thi công vụ? Có sự tiếp tay, làm ngơ trong xử lý phân bón giả, kém chất lượng không?
Ngoài ra, việc có những kết quả kiểm định khác nhau của các đơn vị kiểm định; kết quả kiểm định của cơ quan thanh, kiểm tra và kết quả phúc kiểm của doanh nghiệp khác nhau tạo nên sự nghi ngờ, lo lắng…
Tỉnh ta xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống của gần 70% dân số; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành là chương trình đột phá.
Vì vậy, cần phải tập trung quan tâm giải quyết vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng. Cần phải làm triệt để, đến nơi, đến chốn! Việc làm này vừa bảo vệ sản xuất, bảo vệ nền kinh tế, thượng tôn pháp luật, vừa củng cố niềm tin của nông dân vào chính quyền./.
Kim Quy