Tết đến, xuân về, người người, nhà nhà đều mong chờ khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, người thân sau một năm dài. Xuân sum vầy, tết đoàn viên trở thành nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc ta qua bao mùa Tết Nguyên đán từ xưa đến nay.
Những ngày này, khi năm cũ dần khép lại để chạm ngõ đầu xuân, ai ai cũng chộn rộn, mong ước ngày về sum họp bên gia đình thân thương. Về để cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón tết. Về để quây quần gói bánh tét, bánh chưng, tất bật nấu mâm cơm chiều cuối năm đón rước tổ tiên, ông bà về ăn tết. Về để ngồi lại, kể nhau nghe một năm tất tả mưu sinh với bao buồn, vui, thành công lẫn thất bại. Để rồi những điều chưa như mong muốn sẽ gác lại, cùng nhau đón chào niềm hy vọng mới trong xuân mới. Kể nhau nghe về chuyện cũ để cả nhà thêm trân trọng quá khứ, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Tết là khoảng thời gian sum vầy, vui niềm vui đoàn viên như thế đó! Khoảnh khắc cả nhà ngồi bên nhau canh nồi bánh tét, bánh chưng, kể nhau nghe bao chuyện buồn, vui; chúc nhau mọi chuyện hanh thông, bình an trong năm mới thật ấm áp, thiêng liêng! Hơi ấm mùa xuân vì thế là hơi ấm của tình thân, của xuân sum vầy, tết đoàn viên. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của Tết Nguyên đán, là bản sắc văn hóa được người Việt Nam trân quý, giữ gìn qua bao thế hệ.
Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, bối cảnh hội nhập, Tết Nguyên đán ít nhiều có những đổi khác. Có người từng nêu ý kiến nên gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch vì cho rằng Tết Nguyên đán làm mất cơ hội nắm bắt thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài và mất thời gian của nông dân trong chăm sóc lúa Đông Xuân - vụ lúa tiềm năng trong năm. Có người còn nêu ý tưởng bỏ Tết Nguyên đán bởi mỗi năm tết đến với bao chuyện phải lo toan càng khiến nhiều người cảm thấy áp lực, mệt mỏi, thậm chí “kiệt sức vì tết”.
Đối lập với những luồng ý kiến trên, đa số người dân Việt Nam đều “kiên định” giữ Tết Nguyên đán như giữ lại hồn cốt dân tộc, tinh hoa văn hóa từ thời tiên tổ. Thay đổi Tết Nguyên đán là làm mất đi một bản sắc văn hóa thiêng liêng, mất đi một giá trị tinh thần tốt đẹp. Bởi tết là dịp sum vầy sau một năm xa cách, là dịp để bao giá trị văn hóa được phát huy, trường tồn theo những biến thiên của thời cuộc, là sự khởi đầu thiêng liêng của năm mới. Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đã từng ví “Tết Dương lịch chỉ là “món ăn thêm”, còn Tết Âm lịch thì đã đi sâu vào máu thịt”.
Thật vậy, ngày Tết Cổ truyền của dân tộc ta đã có từ hàng ngàn năm, chịu ảnh hưởng bởi nền văn minh lúa nước. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thừa”). Trong đó, tiết khí quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán, sau này được biết đến là Tết Nguyên đán. Hơn nữa, Tết Cổ truyền cũng xuất hiện từ rất sớm, trong sự tích bánh chưng, bánh dầy và sự tích dưa hấu Mai An Tiêm,...
Điều này chứng tỏ Tết Nguyên đán đã là truyền thống dân tộc trải bao đời vẫn in sâu trong tâm thức người Việt Nam. Và dù thời gian có bao biến đổi, cuộc sống có hiện đai, tiện nghi nhưng những phong tục ngày tết vẫn vẹn nguyên.
Trên dải đất Việt Nam khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, những ngày đầu xuân đều diễn ra các phong tục xông đất, hái lộc, chúc tết, lì xì,... Trong đó, cúng rước ông bà, tổ tiên về ăn tết được giữ gìn, trân trọng. Đây là lời nhắc nhớ hướng về cội nguồn dù có đi đâu, làm công việc gì.
Giữ nét đẹp tết đoàn viên là giữ lại bản sắc văn hóa mà cha ông ta đã gầy dựng. Qua đó, thế hệ này kế tiếp thế hệ khác lại nối dài truyền thống tết với ý nghĩa sum vầy, đoàn viên. Đó cũng là cách giữ nếp nhà.
Những ngày tết sum họp còn là dịp giáo dục con cháu về tình cảm, truyền thống gia đình. Để những mùa xuân sau, dù đi xa hay ở lại quê nhà, tình cảm thiêng liêng ấy mãi là nguồn động lực, tiếp sức cho mỗi người vững bước đi lên.
Và giờ đây, khi mùa xuân lại đến, trên những chuyến tàu hay ở nơi nào đó trên đất Việt, kể cả xa xôi cách nửa vòng Trái đất, mỗi người lại mong ngày về vui tết bên gia đình. Bởi tết là để yêu thương, đoàn viên và sum họp.
“Mừng ngày tết trên khắp quê tôi. Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam. Dù đi đâu ai cũng nhớ. Về chung vui bên gia đình” - Tết đến rồi, hãy gác lại bộn bề, lo toan để trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” vui xuân sum vầy, tết đoàn viên!/.
Thùy Hương