Mở lối cho nông dân
Long An vốn là vùng đất trù phú, thích hợp chuyên canh nhiều loại nông sản: Thanh long, rau ăn lá, rau gia vị, khoai mỡ, lúa và các giống vật nuôi như bò, heo, gà, vịt. Ngành nông nghiệp tỉnh bước đầu hình thành và hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung tại các địa phương: Thanh long (huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An), cây chanh (huyện Bến Lức, Thạnh Hóa), rau ăn lá (huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa),...
Kiên trì thực hành sản xuất nông nghiệp theo đúng quy trình an toàn thì sẽ có đầu ra, có giá bán tốt
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, bình quân hàng năm, nông dân tại Long An sản xuất trên 180.000 tấn rau, 300.000 tấn hoa quả, sản lượng thịt hơi các loại trên 72.000 tấn, 160 triệu quả trứng gia cầm,... Hàng hóa nông sản của tỉnh được tiêu thụ qua nhiều kênh: Thương lái, thông qua chợ đầu mối, chợ truyền thống,...
Thống kê từ các phòng chuyên môn thuộc Sở Công Thương, kênh tiêu thụ nông sản thông qua thương lái vẫn chiếm số lượng khá lớn nên nông sản không tránh khỏi cảnh “được mùa - rớt giá”. Từ sự thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa Long An và TP.HCM, Long An tiến hành xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản với các nhà phân phối lớn: Satra, Saigon Co.op và nhiều đơn vị khác.
Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức cho biết: “Qua các lần xúc tiến thương mại nông sản, năm 2016, có 10 hợp đồng được ký kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và các hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT). Lượng nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng chưa nhiều so với thực tế nhưng bước đầu rất khả quan, nông dân phấn khởi tăng gia sản xuất. Hiện nay, ngành Công Thương cùng ngành nông nghiệp tiếp tục xúc tiến thương mại, mở lối ra bền vững cho nông sản.
Chuỗi sản xuất của HTX Sản xuất Kinh doanh Rau, củ, quả an toàn Tân Hiệp có vùng nguyên liệu tại xã Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa), có diện tích 5ha, được cấp chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích sản xuất gần 9ha.
Đại diện HTX - bà Nguyễn Thị Thơm cho biết: “Không dừng lại ở diện tích 5ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hầu hết sản phẩm rau, củ, quả do xã viên HTX sản xuất đều luôn bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh và tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng. Từ đó, HTX nhận được sự hỗ trợ, kết nối của các ngành chức năng với các DN đầu mối thu mua: Saigon Co.op, Công ty TNHH Aeon Việt Nam. Hàng ngày, HTX cung cấp cho các đơn vị đầu mối thu mua khoảng 1,5 tấn rau, củ, quả: Sả, lá giang, mướp, đậu que, đậu bắp, bầu, bí xanh, đậu phộng,...”.
Hiện tại, hầu hết sản phẩm cung cấp cho các đơn vị đầu mối được HTX sơ chế, đóng gói tại ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ. Nhà sơ chế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bà Thơm cũng cho biết thêm: “Ngoài tiêu thụ sản phẩm thông qua các DN đầu mối, thời gian qua, HTX còn được tham gia giới thiệu và bán rau, củ, quả tại Phiên chợ Nông sản an toàn trong khu vực công viên hồ Kỳ Hòa (TP.HCM) nên tiếp cận được thêm các đầu mối tiêu thụ nông sản. Từ đó, nguồn hàng cung cấp có lúc gần như không thể đáp ứng hết nhu cầu. Do vậy, hiện tại, HTX tiếp tục mở rộng gần 7ha sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP”.
GAHP - giấy thông hành
Ông Lê Minh Đức nhận định: “Nông dân hiện nay có khả năng sản xuất nông sản với lượng dồi dào nhưng chưa tập trung; kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu vẫn thông qua thương lái. Sản phẩm từ khi được thu hoạch đến tay người tiêu dùng trải qua nhiều khâu trung gian. Giữa các khâu trung gian gần như không có mối liên kết chặt chẽ, hậu quả là nông dân luôn bị động trong tiêu thụ nông sản.
Vissan có thể tiêu thụ heo thịt của Long An, nhưng đó phải là heo đạt tiêu chuẩn VietGAP
Từ những vấn đề trên, thời gian qua, các sở, ngành tỉnh tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị bàn về giải pháp tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực. Tại các cuộc hội nghị, hội thảo đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến của các DN lớn như Saigon Co.op, Satra và vấn đề được tập trung bàn luận vẫn là sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, an toàn thực phẩm, đây là giấy thông hành tốt nhất để tiêu thụ”.
Điển hình như sản phẩm của HTX Thanh long Long Trì (Châu Thành) thời gian qua, sản xuất theo chương trình VietGAP với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Võ Mai (Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam), bước đầu được tiêu thụ khá tốt. Hiện tại, HTX tiêu thụ thanh long qua hệ thống siêu thị tại TP.HCM, khoảng 60 cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM và các tỉnh, thành khác. Từ đó, các xã viên cũng như thành viên liên kết có thu nhập khá ổn định.
Vào đầu tháng 4/2017, Sở Công Thương phối hợp UBND huyện Bến Lức tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương và tiêu thụ sản phẩm chanh không hạt. Diện tích trồng chanh trên địa bàn huyện hiện nay gần 4.800ha nhưng tình hình tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
Qua hội thảo liên kết này, có 9 biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác cung ứng tiêu thụ chanh không hạt giữa 4 doanh nghiệp và các HTX, cơ sở thu mua, nông dân. Tại đây, các nhà tiêu thụ đều cho rằng, nguồn cung chanh không hạt từ nhiều nơi rất lớn. Để tiêu thụ sản phẩm tốt, trước hết sản phẩm phải đạt chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm và mối liên kết ‘’4 nhà”.
Đối với mặt hàng thịt heo, trước áp lực đàn heo thịt quá nhiều, vượt nhu cầu của các đầu mối tiêu thụ khiến người chăn nuôi điêu đứng, thua lỗ, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan vừa có cuộc xúc tiến tiêu thụ đàn heo của tỉnh với Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan (Cty Vissan). Tham gia cuộc làm việc có đại diện các tổ hợp tác chăn nuôi heo theo hướng GAHP của Dự án Lifsap.
Tại cuộc làm việc, Phó Tổng Giám đốc Cty Vissan - Nguyễn Đăng Phú cho biết, mỗi ngày, Vissan tiêu thụ 1.500 con heo. Để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi heo thịt, mỗi ngày, Vissan có thể tiêu thụ thêm tối đa 200 con heo của Long An, nhưng đó phải là heo đạt tiêu chuẩn VietGAP, nằm trong Dự án Lifsap, phải gắn vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc.
Để xúc tiến hỗ trợ Long An tiêu thụ đàn heo thịt, sau cuộc gặp gỡ tại TP.HCM, một số thành viên của Cty Vissan đến Long An làm việc trực tiếp tại các trang trại chăn nuôi để khảo sát môi trường chăn nuôi. Các thủ tục về thu mua hiện đang được xúc tiến.
Long An lượng nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng chưa nhiều so với thực tế
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Phú, với nhu cầu phát triển trong năm 2017, sản lượng heo tiêu thụ mỗi ngày của Vissan lên đến 2.000 con và sẽ tăng thêm 35% vào các năm tiếp theo. Đồng thời với việc đưa vào hoạt động cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Bến Lức vào cuối năm 2018 thì việc tiêu thụ thịt heo cho địa phương sẽ cao hơn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho Long An là cần quy hoạch lại quy trình sản xuất của nông dân, sản xuất sản phẩm đạt chuẩn VietGAP hoặc cao hơn để có thể cung ứng nguồn heo chất lượng cho Vissan.
Hầu hết các cuộc xúc tiến thương mại nông sản đều có chung một “thông điệp”, giấy thông hành cần thiết vẫn là sản phẩm đạt chuẩn GAHP. Việc làm này của các đơn vị đầu mối thu mua như một “thông điệp” gửi đến nông dân rằng, nếu kiên trì thực hành sản xuất nông nghiệp theo đúng quy trình an toàn thì sẽ có đầu ra, có giá bán tốt. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều HTX, THT ở Long An vẫn chưa hoàn thiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt,...
Những cố gắng trong việc quảng bá nông sản của Long An hiện tạo được sự chú ý của các doanh nghiệp và giới truyền thông. Qua đó, nhiều tổ chức, cá nhân đặt vấn đề tìm hiểu thị trường nông sản trong tỉnh, đến thăm các vùng nguyên liệu và tổ chức liên kết tiêu thụ. Vì vậy, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản theo hướng GAHP để đầu ra được bền vững.
Hầu hết các cuộc xúc tiến thương mại nông sản đều có chung một “thông điệp”, giấy thông hành cần thiết vẫn là sản phẩm đạt chuẩn GAHP. Việc làm này của các đơn vị đầu mối thu mua như một “thông điệp” gửi đến nông dân rằng, nếu kiên trì thực hành sản xuất nông nghiệp theo đúng quy trình an toàn thì sẽ có đầu ra, có giá bán tốt. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều HTX, THT ở Long An vẫn chưa hoàn thiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…./. |
Mai Hương