Tiếng Việt | English

02/02/2025 - 13:26

Chuyển đổi số - Động lực phát triển bền vững

Tỉnh Long An triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quyết tâm chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số,... Từ đó, CĐS tạo nên cuộc cách mạng, mang lại những lợi ích tích cực cho người dân, doanh nghiệp (DN), góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững

Đưa chuyển đổi số vào cuộc sống

CĐS không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là một trong những giải pháp thiết thực, phù hợp thực tiễn khi nước ta đang trong quá trình hội nhập. Tỉnh xác định luôn trong tâm thế chủ động, khẩn trương, đầu tư hạ tầng số và tập trung đẩy mạnh: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số,... Tỉnh chủ động bám sát các văn bản, hướng dẫn của cấp trên về CĐS, từ đó ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về CĐS; tăng cường kết nối hỗ trợ, tuyên truyền, phổ biến, triển khai nhiều mô hình CĐS phù hợp với thực tế địa phương,... đưa CĐS vào cuộc sống, góp phần tạo động lực thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi thông tin: Xác định năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là năm tạo bước ngoặt hoàn thành Kế hoạch KT-XH 5 năm 2021-2025, là năm “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, Sở xác lập chương trình hành động cách mạng “Tham mưu phát triển dữ liệu số tỉnh Long An, tập trung xây dựng dữ liệu số ngành Thông tin và Truyền thông phục vụ CĐS”.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung tổ chức và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, cụ thể: Tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ cập bộ nhận diện Ngày CĐS quốc gia năm 2024; tổ chức họp mặt đại diện Tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) toàn tỉnh để động viên, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động CĐS tại xã, phường, thị trấn; phát động, triển khai chiến dịch ra quân đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số, xã hội số; tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu các giải pháp, sản phẩm công nghệ  thông tin phục vụ CĐS; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về CĐS, an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên toàn tỉnh; tổ chức Ngày hội Thanh niên CĐS chào mừng Ngày CĐS quốc gia (10/10).

Sở theo dõi, hướng dẫn triển khai công tác CĐS đối với UBND cấp huyện, cấp xã và hầu hết các nhiệm vụ đều đạt theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Sở tập trung công tác triển khai, thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng CSDL chuyên ngành, chia sẻ dữ liệu dùng chung, cung cấp dữ liệu mở và Đề án “Xây dựng, hoàn thiện CSDL ngành, lĩnh vực, địa phương phục vụ CĐS tỉnh Long An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”,...

“Đến nay, CĐS đạt kết quả thiết thực, chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động. Hạ tầng số được quan tâm đầu tư, các nền tảng số, hệ thống ứng dụng dùng chung đưa vào vận hành phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, kết nối với hệ thống các bộ, ngành. An toàn thông tin, an ninh mạng được bảo đảm. Công tác kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực thông tin, truyền thông được thực hiện thường xuyên, từ đó kịp thời xử lý vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý” - ông Bùi Nguyên Khởi cho biết.

Huyện Tân Trụ củng cố các Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng số

Huyện Tân Trụ xác định CĐS có vai trò quan trọng và chủ động thực hiện. Huyện thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo CĐS huyện và các TCNSCĐ tại các xã, thị trấn; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số để phục vụ;... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trương Minh Trí, nhằm tăng cường hiệu quả quá trình CĐS, huyện củng cố,  thành lập lại các TCNSCĐ. Các TCNSCĐ đã phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở, giúp công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS đến với người dân kịp thời cũng như trực tiếp phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng nền tảng số, ứng dụng số. Các thành viên TCNSCĐ còn hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng trong quá trình thực hiện,... góp phần hình thành nên những công dân số, thúc đẩy mạnh mẽ CĐS tại cơ sở, từ đó lan tỏa, đưa CĐS đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy CĐS trong toàn xã hội.

Tiếp tục chuyển đổi số toàn diện

Tại huyện Đức Hòa, CĐS đã được cụ thể hóa thành hoạt động thực chất, phù hợp với tình hình phát triển của huyện.

Công ty (Cty) TNHH Một thành viên YS Vina (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa) chuyên về lĩnh vực sản xuất lều du lịch, dụng cụ du lịch để xuất khẩu với hơn 400 lao động. Trong suốt quá trình hoạt động, Cty được địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình sản xuất cũng gặp một số khó khăn bởi ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của lãnh đạo địa phương tiếp thêm động lực cho Cty, nhất là kết nối các đối tác, hỗ trợ đẩy mạnh CĐS. Theo Giám đốc Cty TNHH Một thành viên YS Vina - Lee Seung Yorl, Cty linh hoạt chuyển đổi quy trình sản xuất, áp dụng những giá trị của CĐS, kinh tế số mang lại để phù hợp với trạng thái, xu hướng tất yếu của thị trường bằng việc ứng dụng nền tảng số, nâng cao chất lượng nhân lực, hạ tầng, các thiết bị, máy móc đáp ứng hoạt động,...

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Thành Phong đánh giá: Nhiều mô hình được huyện triển khai mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần đưa CĐS “đến từng ngõ, gõ từng nhà” và trong đời sống của người dân, hoạt động của DN. Với mục tiêu trong thời gian tới hoàn thành các chỉ tiêu theo định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra, CĐS được thực hiện đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên phạm vi toàn tỉnh, phấn đấu Long An thuộc nhóm tỉnh có thứ hạng cao về CĐS. Cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên dữ liệu số và công nghệ số, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao. DN ứng dụng toàn diện CĐS trong hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh. Người dân, DN được phổ cập sử dụng dịch vụ số, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra giá trị mới, thể hiện vai trò chủ thể trong quá trình phát triển,...

Theo ông Bùi Nguyên Khởi, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu trên là tiếp tục phát huy, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành CĐS; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người dân, DN; phát triển, thu hút nguồn nhân lực CĐS; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; bảo đảm nguồn lực tài chính;.../.

"Những lợi ích, tiện ích CĐS mang lại không chỉ thuận tiện cho công tác điều hành của cơ quan quản lý nhà nước mà còn xóa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống, đúng như quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, của tỉnh là lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực của CĐS. CĐS phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển”.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết