Hôm nay, 29/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Trước thềm sự kiện quan trọng này, phóng viên VOV.VN tham vấn ý kiến chuyên gia về ý nghĩa của sự kiện và kỳ vọng của giới chuyên gia về hội nghị này.
Kỳ vọng có quyết sách đúng đắn và mạnh mẽ
Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng về tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Ngày 29/4, Thủ tướng Chính Phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và ngày 30/4, Thủ tướng sẽ đối thoại với công nhân lao động. Chúng tôi kỳ vọng Thủ tướng và các vị lãnh đạo Chính phủ sẽ nghe được nhiều ý kiến phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có những quyết sách đúng đắn và mạnh mẽ.
Còn chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kỳ vọng, những vấn đề quan trọng nhất lúc này đối với điều hành nền kinh tế sẽ được bàn bạc ngay với doanh nghiệp. Từ vĩ mô, Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp để có cơ sở đưa ra giải pháp tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
Theo ông Lưu Bích Hồ, trong bối cảnh khó khan hiện nay, Chính phủ tổ chức hội nghị đối thoại nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các kho năm của doanh nghiệp là cách làm tốt, đồng bộ, kịp thời với những nội dung nóng sẽ được bàn thảo. Chắc chắn là sẽ có những kết quả tích cực, có những thông điệp mới của Chính phủ. Doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ khó khăn để Thủ tướng nắm được và cùng tìm cách tháo gỡ.
“Động thái này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, của Thủ tướng mới đối với doanh nghiệp, hy vọng sẽ có những quyết sách mạnh mẽ để tháo gỡ cho doanh nghiệp”- ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cũng thẳng thắn: “Tôi rất kỳ vọng vào kết quả hội nghị. Thực tế hiện nay tại Việt Nam, các “đại gia” đang nắm những phần quyết định của thị trường, nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường “khó sống”. Việc đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp là chuyện điều phối để thị trường không mang tính bị chi phối. Sau hội nghị, rất mong nước ta sớm có một môi trường kinh doanh đúng nghĩa tính cạnh tranh, tự do cạnh tranh cao. Năng lực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được tận dụng ở thị trường.
Ông Võ nhấn mạnh: “Cấu trúc thị trường có những quy luật riêng, đòi hỏi nhà quản lý phải biết. Khi Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp sẽ nghe được tiếng nói của doanh nghiệp, từ nhỏ đến lớn. Từ đó, thấy được doanh nghiệp đang được lợi gì và bị thiệt gì. Đây là dịp để nghe thấy và từ đó mà chỉnh lý các chính sách của Nhà nước”.
Cần quyết sách nhanh và thiết thực
Về ý nghĩa sự kiện này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc gọi đó là Hội nghị Diên Hồng. Chia sẻ quan điểm này, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái tán thành đây là Hội nghị rất quan trọng và thiết thực, thậm chí có những quyết sách xử lý ngay, như đã làm trong Hội nghị về an toàn vệ sinh thực phẩm hôm qua.
Nhưng ông Thái cũng nhấn mạnh: “Tôi không muốn dùng những ngôn từ đao to búa lớn, vì chính sách là liên tục và các vấn đề sẽ nảy sinh còn không ít trong điều kiện đấy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế khi Việt Nam quyết đi theo con đường kinh tế thị trường hiện đại. Tôi tin tưởng tại Hội nghị này và trong những ngày tới, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ có thêm nhiều quyết sách nhanh và ngày càng đi sâu vào cải cách để làm đúng vai trò kiến tạo của Nhà nước chúng ta trong giai đoạn này.
Ông Thái đánh giá rằng, “hội nghị này rất quan trọng, nó đánh dấu bước ngoặt của Chính phủ mới, dù công việc bề bộn nhưng đã tổ chức được hội nghị này. Chúng ta hi vọng sẽ còn nhiều cuộc hội nghị, đối thoại như thế này nữa, tạo thành một quá trình liên tục nhằm thúc đẩy các bộ ngành và cả hệ thống chính trị chuyển động theo để đất nước phát triển mạnh mẽ trên con đường hội nhập”.
Còn TS Lưu Bích Hồ nhìn nhận: Việc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân không phải lần đầu có ở Việt Nam. Một số Thủ tướng tiền nhiệm đã làm. Chúng ta nên coi trọng đây là sự kiện quan trọng mà Chính phủ tìm cách tháo cởi những khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp như Thủ tướng nói là: bảo vệ doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì đang chờ đợi xem Chính phủ có gì mới để tiếp nhận và đồng hành cùng Chính phủ, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là cơ hội tốt, là cầu nối để doanh nghiệp có thể chia sẻ khó khăn với trực tiếp Thủ tướng.
GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn rằng, “chúng ta cứ tin sự kiện này quan trọng như Hội nghị Diên Hồng đi, còn thực tế sẽ trả lời. Hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng bị thất thiệt trong thị trường, tuy nhiên môi trường kinh doanh vẫn thiếu tính công bằng của thị trường. Một số “đại gia” vẫn nắm yếu tố chi phối, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ăn theo, không còn tính độc lập. Đây là lúc điều phối môi trường kinh doanh một cách công bằng và là việc làm cần thiết, đặc biệt là tìm cách để hạn chế các tính độc quyền của “đại gia”; chỉ rõ cái gì mà Nhà nước có thể trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ là điều mà chúng ta kỳ vọng vào cuộc gặp này. Tất nhiên, sẽ còn những vấn đề chưa thể bàn tới, bàn mà chưa đạt được như mong muốn thì chúng ta góp ý tiếp./.
Xuân Thân/VOV.VN