Tiếng Việt | English

21/05/2020 - 15:52

Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cho phụ nữ

Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) (chiến dịch) hàng năm là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ cho phụ nữ. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch về dân số (DS) và phát triển trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Chiến dịch nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các xã khó khăn, vùng có mức sinh cao, vùng có nhiều dân nhập cư, địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng trong năm 2019. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch DS/SKSS năm 2020. Chiến dịch sẽ triển khai 2 đợt, mỗi đợt 1,5 tháng tại 186 xã, phường thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đợt 1 kết thúc trước ngày 01/5/2020; đợt 2 kết thúc trước ngày 01/10/2020.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

Cũng như các địa phương khác, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa xem việc thực hiện công tác DS/KHHGĐ là nhiệm vụ trọng tâm. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Nam - Nguyễn Thị Ngọc Thúy thông tin: “Ngay từ đầu năm, hoạt động này được đưa vào nghị quyết của Đảng ủy và HĐND xã. Các hình thức tuyên truyền được đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH của UBND xã. Đặc biệt, 2 đợt chiến dịch được chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo nhằm giúp chị em được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS. Qua đó, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tăng DS và duy trì 4 năm liền xã không có người sinh con thứ 3 trở lên”.

Toàn xã có 2.604 hộ dân, trong đó có 1.584 hộ trong độ tuổi sinh đẻ. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên chiến dịch năm nay diễn ra chậm hơn so với những năm trước. Viên chức DS/KHHGĐ xã Hòa Khánh Nam - Nguyễn Thế Trọng cho biết: “Trước ngày diễn ra chiến dịch, ngoài phát thanh tuyên truyền, đội ngũ cộng tác viên DS - Gia đình và Trẻ em (CTV DS) gồm 16 người đến từng hộ dân để phát thư mời và tuyên truyền, vận động chị em tham gia. Đối tượng mà chúng tôi tập trung vận động trong chiến dịch là các cặp vợ chồng trẻ có đủ số con, đặc biệt là các cặp vợ chồng có con một bề nhưng chưa thực hiện biện pháp tránh thai. Ưu tiên cung cấp dịch vụ điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh dục cho phụ nữ có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng”.

Tầm soát sớm các bệnh

Nhằm thu hút phụ nữ tham gia, cấp huyện thành lập đội lưu động (tối đa không quá 8 người/đội) để cung cấp dịch vụ tại các xã. Mỗi xã triển khai 3 ngày/2 đợt chiến dịch. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tại các điểm diễn ra chiến dịch hàng năm thu hút hàng trăm chị em tham gia thực hiện các gói dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ như đặt dụng cụ tử cung; thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai; dùng bao cao su và các sản phẩm xã hội hóa. Đặc biệt, khi đến đây, chị em còn được siêu âm, tầm soát ung thư cổ tử cung miễn phí.

Chị Võ Thị Hiệp (ấp Bình Thạnh 3, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi thấy đây là hoạt động ý nghĩa, không chỉ giúp chị em tiếp cận các dịch vụ CSSKSS chất lượng mà còn giúp phát hiện sớm bệnh tật và điều trị kịp thời”.

Tham gia chiến dịch, phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại miễn phí

Trong chiến dịch năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện siêu âm cho trên 13.600 phụ nữ nghèo, cận nghèo, các xã vùng sâu, vùng có nhiều khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, thực hiện quan sát cổ tử cung sau bôi acid acetic (Visual Inspection with Acetic acid - test VIA) cho trên 36.400 phụ nữ nhằm sàng lọc và tầm soát ung thư cổ tử cung.

Mục tiêu đạt được của chiến dịch tại mỗi xã là bảo đảm hoàn thành 50% chỉ tiêu kế hoạch năm về triệt sản, 60% về đặt dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai. Đồng thời, bảo đảm 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; nam, nữ chuẩn bị kết hôn được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ và khám sức khỏe tiền hôn nhân, kể cả kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Phấn đấu có 7.500 lượt thai phụ sàng lọc trước sinh; 5.100 lượt nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; có trên 45.600 phụ nữ được khám phụ khoa; 22.800 phụ nữ được soi tươi và 18.240 phụ nữ được điều trị.

Việc thực hiện 2 đợt chiến dịch mỗi năm không chỉ giúp phụ nữ được theo dõi, CSSKSS định kỳ mà còn góp phần giảm tỷ lệ mang thai, sinh con ngoài ý muốn cũng như nâng cao chất lượng DS./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết