Tuổi vị thành niên cần được hướng dẫn các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao mang tính tập thể do nhà trường, cộng đồng tổ chức
Những câu chuyện đau lòng
Những năm qua, nhiều trường học và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương chú trọng công tác chăm sóc SKSS VTN và đạt những kết quả tích cực. Tuy trên thực tế, công tác tuyên truyền, giáo dục luôn được quan tâm, song, tình trạng trẻ em gái VTN bị xâm hại, quan hệ tình dục sớm, không an toàn dẫn đến mang thai ngoài ý muốn vẫn xảy ra.
Thông tin từ một cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Long An, năm 2016, tại cơ sở có 24 ca đến khám và được thực hiện giải quyết phá thai ở tuổi VTN. Năm 2017 có 5 ca, năm 2018 có 9 ca và 6 tháng đầu năm 2019 có 2 ca. Tuổi của trẻ VTN đến khám, thực hiện hút thai bình quân từ 16 đến dưới 18 tuổi. Ở các trường hợp này, có bé gái được mẹ đưa đến khám, nhưng có không ít trường hợp được bạn trai đưa đến.
Trong số các trường hợp trẻ VTN đến khám và thực hiện hút thai, đội ngũ nhân viên y tế tại đây nhớ nhiều đến trường hợp bé gái được bạn trai đưa đến nhờ được khám, tư vấn và giúp đỡ chấm dứt thai kỳ. Tại đây, bé gái chia sẻ, chuyện em mang thai, mẹ em không hề hay biết. Em nhiều lần muốn nói với mẹ để được giúp đỡ, nhưng mỗi khi em “mào đầu” câu chuyện bằng cách gợi mở vấn đề giới tính thì mẹ em đều lảng tránh. Ngoài ra, mẹ em kinh doanh, công việc khá bận rộn nên em ít cùng mẹ trò chuyện, chia sẻ về giới tính cũng như cách chăm sóc bản thân.
Trường hợp khác, một bé gái được mẹ đưa đến cơ sở y tế khi phát hiện con gái có thai. Sau khi được tư vấn từ đội ngũ nhân viên y tế, cả 2 mẹ con đều quyết định chấm dứt thai kỳ để bé gái có thể tiếp tục việc học. Người mẹ chia sẻ, sẽ chăm sóc, theo sát quá trình học tập cũng như hướng dẫn con gái sống tích cực hơn, quan tâm chăm sóc bản thân và tránh lặp lại chuyện không hay vừa xảy ra.
Công tác tuyên truyền, giáo dục và chăm sóc trẻ vị thành niên luôn được nhà trường và cộng đồng quan tâm
Tập trung tuyên truyền
Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, hiện nay, trẻ VTN là lực lượng chiếm số đông trong xã hội. Chăm sóc SKSS VTN là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Vấn đề này
được các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tập trung tuyên truyền, giáo dục đến các bậc phụ huynh để chăm sóc, giáo dục trẻ sống tích cực và tránh xa những hành vi có hại cho sức khỏe.
Phó Bí thư Chi bộ ấp 1B, xã An Thạnh, huyện Bến Lức - Võ Thị Ngoan nhận xét: Kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc SKSS của một bộ phận trẻ VTN còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, trẻ VTN trong giai đoạn hiện nay phát triển rất nhanh về thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, trong tình hình bùng nổ thông tin hiện nay, đặc biệt là qua Internet, các xu hướng văn hóa đã và đang xâm nhập, ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ, hành vi của lứa tuổi VTN.
Theo bà Ngoan, trước đây, ở xã An Thạnh từng có trường hợp trẻ em gái VTN mang thai trong thời gian còn cắp sách đến trường. Thời gian gần đây, xác định đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tại địa bàn rất quan trọng nên các tổ chức chính trị - xã hội trong ấp tăng cường lồng ghép giữa truyền thông, vận động cha mẹ, ông bà quan tâm và chăm sóc con, cháu trong gia đình. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến trẻ em gái, dạy trẻ biết cách chăm sóc bản thân trong tuổi dậy thì, tránh xa các hành vi có thể gây hại cho sức khỏe, quan hệ tình dục sớm cũng như mang thai ngoài ý muốn.
Công tác chăm sóc SKSS VTN cũng được các tổ chức chính trị - xã hội xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức quan tâm đặc biệt. Bà Lương Thị Ngọc - cộng tác viên dân số xã Mỹ Yên, cho biết, thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, cộng tác viên dân số và Trường THCS Nguyễn Văn Hiển thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS. Trong các buổi nói chuyện chuyên đề này, các em được khuyên tránh xa các phim ảnh có nội dung không lành mạnh, chủ động tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ do nhà trường, cộng đồng tổ chức. Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn trong mối quan hệ xã hội; cung cấp, hỗ trợ tài liệu để tìm hiểu những kiến thức về giới tính, tình dục và SKSS. Qua đó, giúp các em hiểu đúng về chính cơ thể mình, kiến thức bảo vệ SKSS; tạo một môi trường bình đẳng để các em trưởng thành.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thị Định chia sẻ, gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nề nếp, đạo đức, lối sống cho con. Sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, ân cần chỉ bảo của cha mẹ tác động rất nhiều đến con, nhất là các em ở lứa tuổi VTN. Bên cạnh đó, nhu cầu giáo dục giới tính từ trong gia đình là điều mà các em rất cần đến. Cha mẹ, ông bà hãy là người đồng hành cùng con, cháu, giúp các em hiểu và đón nhận một cách đúng đắn các vấn đề liên quan đến giới tính, SKSS. Cha mẹ, ông bà nên tạo dựng mối quan hệ gần gũi, thân tình với con, cháu để các em an tâm, tin tưởng tham vấn khi cần thắc mắc về giới tính, SKSS.
Cũng theo Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thị Định, ở lứa tuổi VTN, giao lưu bạn bè là hoạt động chủ đạo và dễ tiếp nhận ý kiến từ bạn bè hơn là cha mẹ. Do vậy, để việc giáo dục giới tính, SKSS tốt nhất cho con, cha mẹ, ông bà cần chủ động gợi mở, chia sẻ với con, cháu về mối quan hệ bạn bè, để định hướng, giúp “chọn bạn mà chơi”. Trong gia đình, nếu có trường hợp trẻ em gái VTN lỡ mang thai ngoài ý muốn, cha mẹ, ông bà nên sớm đưa con, cháu đến cơ sở y tế chuyên khoa để được nhân viên y tế tư vấn và có hướng giải quyết an toàn, hiệu quả, tránh để trẻ bị tổn thương.
Nếu cha mẹ, ông bà không đồng hành và chia sẻ cùng con, cháu, các em có thể giấu chuyện mang thai ngoài ý muốn hoặc tự “giải quyết” ở những nơi không an toàn, không bảo đảm chuyên môn có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, ở giai đoạn sau khi “giải quyết” thai, các em cần được theo dõi tránh tai biến ảnh hưởng đến tính mạng. Các em cần được chăm sóc, vệ sinh tốt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để mau hồi phục về tinh thần lẫn thể xác./.
Gia Hân
Gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nề nếp, đạo đức, lối sống cho con. Sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, ân cần chỉ bảo của cha mẹ tác động rất nhiều đến con, nhất là các em ở lứa tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, nhu cầu giáo dục giới tính từ trong gia đình là điều mà các em rất cần đến. Cha mẹ, ông bà hãy là người đồng hành cùng con, cháu, giúp các em hiểu và đón nhận một cách đúng đắn các vấn đề liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản”.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thị Định
|