Tiếng Việt | English

14/10/2015 - 15:56

Long An

Đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động

Công tác đào tạo nghề của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Long An trải qua chặng đường 5 năm đạt những kết quả nhất định, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động (LĐ), giúp người LĐ tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm sau đào tạo.


Công tác đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển nguồn nhân lực

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Trong giai đoạn 2011-2015, công tác đào tạo nghề có sự phát triển vượt bậc. Nổi bật nhất là kết quả tuyển sinh đào tạo nghề góp phần tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo của tỉnh từ 50% (năm 2010) lên trên 60% (năm 2015), trong đó, tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề tăng từ 30% lên trên 40%. Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề tăng lên 30,01%, 85% học sinh sau tốt nghiệp có việc làm.

5 năm qua, 1 trung tâm dạy nghề được nâng cấp thành trường trung cấp nghề; thành lập mới 3 trường trung cấp nghề, 2 trung tâm dạy nghề và 4 doanh nghiệp (DN) tham gia dạy nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 39 cơ sở dạy nghề (năm 2010 là 30 cơ sở).

Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng cho biết, Đức Hòa là một trong những địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp. Do đó, nhu cầu LĐ, đặc biệt là LĐ qua đào tạo của các DN là rất lớn. Với số lượng khoảng 11 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp trên địa bàn, các DN sẵn sàng thu nhận các em thực tập khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hiện tại, trung bình 90% số học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm. Hầu hết các em sau thời gian thực tập đã được các DN nhận lại và có nghề nghiệp, thu nhập ổn định.

Ngoài học sinh đã tốt nghiệp, có tay nghề giỏi, thu nhập ổn định tại địa phương, một số em đi xuất khẩu LĐ đã trở về và làm việc tại các công ty nước ngoài với mức lương rất cao. Bên cạnh đó, niềm tự hào trong quá trình phấn đấu 5 năm qua của nhà trường là tháng 7-2015, trường đã được nhận Giấy chứng nhận đạt cấp độ cao nhất về kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Với kết quả này, trong khoảng 300 trường trung cấp nghề hiện có trên toàn quốc, Trường Trung cấp nghề Đức Hòa vinh dự là 1 trong 25 trường trung cấp đạt kiểm định chất lượng dạy nghề của cả nước.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Sau 5 năm triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 33.035 LĐNT được đào tạo (với 21.902 người học nghề nông nghiệp và 11.133 nghề phi nông nghiệp), khoảng 86,56% LĐ sau học nghề có việc làm, thu nhập ổn định.


Người dân được tham gia các lớp đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần nâng cao tay nghề, ổn định cuộc sống.

Tân Trụ là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Từ năm 2011-2015, huyện đã tổ chức được 92 lớp với 2.566 người tham gia.

Các cơ sở dạy nghề không ngừng được nâng cao từ số lượng đến chất lượng. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho các cơ sở dạy nghề công lập giai đoạn 2006-2010 là 359.937 triệu đồng; giai đoạn 2011-2015 là 557.247 triệu đồng, tăng 1,55 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Đến nay, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được quy mô đào tạo, thiết bị hiện đại được đầu tư như: Máy phay CNC, máy tiện CNC, hàn Tig, hàn Mig, động cơ ôtô có hệ thống phun xăng điện tử. Tuy nhiên, so với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CNH-HĐH và hội nhập của tỉnh còn hạn chế, cần được bổ sung, nâng cấp thêm.

Sau 5 năm thực hiện, công tác đào tạo nghề đã đạt những kết quả đáng kể trong việc phát triển nguồn nhân lực, góp phần vào nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Ngoài ra, từ ngày 1-7-2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, thu hút học sinh bằng chính sách, thống nhất trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng,…

Với những yếu tố trên, công tác tuyển sinh trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đã đạt trên 90%, góp phần rất lớn trong việc xóa bỏ “rào cản” tâm lý của người dân từ trước đến giờ là trọng “thầy” hơn trọng “thợ”./.

Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Trụ - Nguyễn Văn Thuận, tùy theo tình hình, điều kiện của mỗi địa phương sẽ có những nghề phù hợp cho người dân. Các nghề nông nghiệp thường được chọn là thú y, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ thực vật…; các nghề phi nông nghiệp là dệt chiếu, nấu ăn, đan nhựa, làm trống,… Tham gia các lớp đào tạo nghề, người dân được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả. Các nghề phi nông nghiệp cũng phát huy được hiệu quả, giúp người dân nâng cao tay nghề, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, một số nghề cũng chưa phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể, thu nhập của người dân gặp ảnh hưởng do đầu ra sản phẩm còn hạn chế, giá nguyên liệu tăng như đan nhựa, làm hoa vải, kết cườm,…

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH – Võ Thành Trí: Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo là 1 trong 4 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tự tạo việc làm cho bản thân, tăng thu nhập. Bên cạnh những hiệu quả tích cực, việc chia nhỏ chương trình đào tạo như chăn nuôi gà, heo, bò,… thay vì chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa thực sự phù hợp. Người dân tham gia khóa học gặp một số khó khăn về thời gian do quy định học nghề trong độ tuổi LĐ, chi phí hỗ trợ đối với các đối tượng còn thấp,...

 Phạm Ngân

 

Chia sẻ bài viết