Tiếng Việt | English

24/05/2016 - 10:13

Để các dịch vụ văn hóa thật sự đi vào nề nếp

Nhạc sống, karaoke di động, trò chơi điện tử,... đều là những loại hình
giải trí phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên, hát thế nào, chơi ra sao để không ảnh hưởng mọi người và cuộc sống xung quanh nhằm tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh vẫn cần lắm ý thức người dân và sự phối hợp tuyên truyền, quản lý của các ngành chức năng.


Để trò chơi điện tử không mang tính chất cờ bạc trá hình cần lắm ý thức của người dân

Những hệ lụy!

Từng là một thanh niên hiền lành, là đứa con ngoan, chăm chỉ làm ăn trong một gia đình nhà nông,… nhưng từ khi trò chơi game bắn cá xuất hiện ở vùng quê ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An N.V.A, 27 tuổi đã bị “cuốn” vào trò chơi này. Bà N.T.N, mẹ của A kể: “Cứ trưa và chiều là nó đi chơi, gia đình không biết, cứ nghĩ là đi uống cà phê với bạn bè. Tới lúc biết con mình sa đà vào trò chơi bắn cá cũng là lúc phát hiện số tiền nợ 40 triệu đồng vì con đã thua từ trò chơi này”.

Đến nay, dù điểm kinh doanh trò chơi bắn cá này không còn - vì đã được ngành chức năng xử lý, tịch thu máy nhưng số tiền nợ 40 triệu đồng của A vẫn chưa trả xong. Bởi gia đình A không khá giả, cha mất chỉ còn mỗi mình mẹ làm ruộng nuôi 2 anh em của A. Còn vợ A – em TL cũng gửi đơn xin ly dị vì ngán ngẩm chồng đam mê cờ bạc từ trò chơi bắn cá. Một mái ấm gia đình đã rạn nứt chỉ vì trò chơi điện tử mang tính chất cờ bạc trá hình đã từng tồn tại ở làng quê!

Nếu trò chơi điện tử ảnh hướng xấu đến một bộ phận trong giới trẻ, phá vỡ hạnh phúc gia đình thì nhạc sống, karaoke lại làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự công cộng ở khu dân cư - vì hát quá khuya, quá lớn như tra tấn và khổ cho các cụ già không ngủ được. Hiện nay, nhạc sống, karaoke di động hầu như có mặt trong tất cả các buổi đám tiệc từ đám cưới, đám giỗ, thôi nôi đến cả đám nhậu, đám tang. Anh Nguyễn Thanh Tú, ở xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Có những hôm, đám giỗ, nhạc sống, loa thùng vỗ inh ỏi ngay giữa buổi trưa. Trong khi đó, đây là khoảng thời gian mọi người cần nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe, tinh thần tiếp tục làm việc buổi chiều. Nhưng nghĩ lại, đám tiệc một năm mới có một lần nên cũng thông cảm”.

Còn ở phường 4, TP.Tân An, có những trường hợp hát nhạc sống inh ỏi giữa trưa hoặc sau 22 giờ chỉ vì “ngẫu hứng”. Bà NTT ở phường 4 bức xúc: “Ngày cuối tuần, ở gần nhà tôi hay tổ chức tập hợp anh em, bạn bè lại hát nhạc sống. Có hôm, đến 22 giờ, muốn đi ngủ, nghỉ ngơi cũng chẳng được vì tiếng hát quá lớn ảnh hưởng đến xung quanh”.

Còn khó khăn trong kiểm tra xử lý

Để tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động trò chơi điện tử, tháng 3-2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn gửi Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử.


Người chơi cá cược trên máy. Ảnh: Internet

Theo đó, đối với các loại máy trò chơi điện tử có cách thức chơi và trả thưởng bằng xu, xèng, thẻ, điểm hoặc các hình thức tương tự (chủ yếu là máy bắn cá) thì yêu cầu chủ cơ sở thay đổi cách thức chơi để bảo đảm hình thức trả thưởng cho người chơi chỉ được quy đổi bằng cách tích điểm hoặc cách thức tương tự, cộng thưởng thêm số lượt chơi hoặc thời gian chơi. Số thưởng này phải hủy ngay sau khi người chơi kết thúc trò chơi hoặc lần chơi, bảo đảm không được trả thưởng sau cuộc chơi bằng xu, xèng, thẻ, tiền, hiện vật hoặc bất kỳ hình thức nào. Phần thưởng trò chơi mang lại nếu quy đổi hoặc nếu trúng thưởng chỉ là những hiện vật giá trị nhỏ mang tính khích lệ như thú bông, bánh kẹo,...Ngoài ra, chủ cơ sở kinh doanh phải cam kết bảo đảm các điều kiện kinh doanh, không trả thưởng mang tính chất cờ bạc trá hình,...

Sau một thời gian tăng cường kiểm tra của ngành văn hóa cùng các địa phương, số điểm kinh doanh trò chơi điện tử ngày càng giảm. Đến cuối năm 2015, con số này còn 30 cơ sở. Tuy nhiên, đến tháng 3-2016, con số này lại phát triển trở lại với số lượng 73 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử; trong đó có 30 hộ kinh doanh cá thể và 43 doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở huyện Bến Lức và Thủ Thừa.

Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trần Minh Luân cho biết: “Vừa qua, khi kiểm tra tại các huyện Bến Lức, Cần Giuộc và Thủ Thừa về kinh doanh trò chơi điện tử thì có chuyển biến tích cực hơn trước. Hầu hết, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử đều có cam kết, dán nội quy,... như quy định nên chưa phát hiện việc kinh doanh có mang tính chất cờ bạc trá hình hay không. Để phát hiện được điều này rất khó khăn”.

Nguyên nhân khó phát hiện việc cờ bạc “núp bóng” trò chơi điện tử là vì hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư là nơi cấp phép kinh doanh nhưng hệ thống văn bản chuyên ngành quy định về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử chưa cập nhật kịp thời. Mặt khác, theo quy định pháp luật, xử lý vi phạm cờ bạc trá hình trên máy trò chơi điện tử đòi hỏi phải có chứng cứ bắt quả tang, trong khi chủ cơ sở kinh doanh và người chơi luôn thông đồng, giao dịch ngầm để qua mặt cơ quan chức năng. Vì vậy, có một số ý kiến cho rằng: “Cần phải tăng cường sự vào cuộc tham gia của lực lượng công an để sử dụng nghiệp vụ trong kiểm tra, theo dõi nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoạt động trò chơi điện tử mang tính chất cờ bạc trá hình”.


Hát nhạc sống tại vùng quê. Ảnh: Internet

Còn nhạc sống, karoke di động, hiện nay toàn tỉnh có hơn 860 hộ kinh doanh hoạt động này. Tháng 4-2016, UBND tỉnh có công văn gửi các ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh. Bởi, thời gian qua, hoạt động các xe bán kẹo kéo kèm theo ca nhạc, hoạt động cho thuê nhạc sống, karaoke di động sử dụng âm thanh lớn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của người dân nên rất cần sự chung tay chấn chỉnh của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn khó khăn. Theo Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin TP.Tân An – Võ Ngọc Ẩn: “Để hoạt động nhạc sống, karaoke di động thật sự lành mạnh, đi vào nề nếp chỉ có tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chứ xử phạt thì không có chế tài. Hơn nữa, việc đo tiếng ồn là khó thực hiện. Hiện nay, địa bàn TP.Tân An có hơn 150 hộ kinh doanh loại hình này và có 36 hộ đã đăng ký cam kết về giờ giấc, âm thanh, nội dung bài hát đúng quy định. Ngoài ra, ngành cũng phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền nên hoạt động này cũng chuyển biến tích cực hơn trước”.

Là những chủ thể hưởng thụ từ những loại hình dịch vụ văn hóa nên muốn tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh, bổ ích, vui tươi thì chính người dân phải nâng cao nhận thức trong việc vui chơi, sử dụng các dịch vụ này. Có như vậy, đời sống tinh thần mới thật sự phong phú và thoải mái”./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết