Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa – trăn trở nghề trăm năm
Nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, làng nghề truyền thống bánh tráng Nhơn Hòa từ lâu đã vang danh khắp Nam Bộ bởi chất lượng, hương vị đặc trưng. Hơn 100 năm qua, bếp lửa vẫn sáng đều tại các hộ sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trước thách thức từ thị trường, công nghệ, số hộ làm nghề truyền thống đã giảm đi rất nhiều.
Hơn 100 năm trước, làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa đã nức tiếng, vang danh khắp Nam Bộ bởi sản phẩm bánh tráng Nhơn Hòa thơm ngon, đậm đà mang hương vị quê hương
Bánh tráng Nhơn Hòa được làm theo cách truyền thống với bí quyết làm bột, cách pha bột, trộn gia vị nên có được hương thơm, vị đậm đà, dẻo rất riêng biệt
Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, 68 tuổi, ấp Nhơn Hòa 1, phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An làm nghề sản xuất bánh tráng truyền thống từ thời cha mẹ. Đến nay bà có hơn 30 năm kinh nghiệm làm nghề
Theo bà Huệ, trước đây, nguyên liệu chụm lửa thường dùng vỏ trấu nhưng nay giá vỏ trấu cao nên các gia đình chuyển sang thay thế bằng mạt cưa hoặc củi dừa để giảm một phần chi phí
Nguyên liệu làm bột thường được sử dụng bằng loại gạo 504. Theo những người làm nghề, sở dĩ chọn gạo 504 bởi bánh tráng làm ra sẽ có độ mềm, dẻo vừa phải
Trước khi xay bột, gạo phải được ngâm trong khoảng 1 ngày rồi vớt ra để ráo nước mới đem đi xay thành bột mịn
Sau đó, bột được đem đi lọc hết nước chua rồi lấy bột pha với nước bảo đảm có độ loãng vừa phải. Theo kinh nghiệm, trước khi tráng bánh, bột sẽ được pha thêm một ít muối để bánh có vị đậm đà
Bánh được những người thợ tráng trên mặt vải căng trên chảo nước sôi. Khi tráng bánh lửa không được lớn, phải để liu riu
Đôi tay người thợ tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn,mỏng và đẹp mắt
Sau khi tráng, bánh được hấp khoảng 20 giây và được đậy bằng nắp lá dừa do chính nghệ nhân Nhơn Hòa sáng chế
Bánh được cuộn bằng ống tre có bọc lớp vải khỏi mặt chảo hấp
Sau đó, từng chiếc bánh được trải đều ra cái phên bánh bằng đôi bàn tay khéo léo của người thợ
Mỗi tấm phên xếp đầy bánh được đem đi phơi nắng. Với nắng to chỉ cần phơi khoảng 20 phút. Sau đó, đem bánh vào chỗ mát, đến chiều tối tiếp tục mang ra phơi sương rồi mới gỡ bánh
Bà Nguyễn Thị Hồ Điểu năm nay 71 tuổi đã có gần 50 năm theo nghề làm bánh tráng truyền thống
Theo bà Điểu, bánh tráng Nhơn Hòa khác với các loại bánh tráng của các địa phương khác bởi bí quyết riêng của làng nghề nhất là cách pha bột
Thời điểm hoàng kim, tại làng nghề có khoảng hơn 100 lò bánh tráng. Tuy nhiên, đến nay, số lượng các hộ còn giữ nghề giảm rất nhiều. Hiện tại 2 ấp Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2 chỉ còn khoảng hơn 10 lò hoạt động
Theo những người gắn bó với nghề, hiện nay, nguyên liệu đầu vào, nhân công cao trong khi giá thành 1kg bánh tráng vẫn chưa đầy 30 ngàn đồng nên nhiều hộ không còn gắn bó với nghề
Bên cạnh đó, với các lò bánh thủ công, tuy chất lượng tốt nhưng sản phẩm làm ra ít. Trung bình 1 người thợ giỏi, 1 ngày chỉ có thể tráng được trên dưới 500 chiếc bánh, thu nhập chưa đạt 100 ngàn đồng. Ngoài ra, hiện nay, một số hộ đầu tư dây chuyền máy móc cho năng suất gấp 10 lần lò truyền thống nên nghề tráng bánh thủ công cũng dần mai một, chỉ còn những hộ yêu nghề mới gắn bó
Kiên Định – Võ Thành Nguyễn
- Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Hà thăm và tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh (28/11)
- Cấp phát bồn chứa nước do UNICEF tài trợ tại một số tỉnh bị hạn, mặn (28/11)
- Mì gói 1.000 đồng giàu lòng yêu thương (28/11)
- Xã anh hùng xây dựng nông thôn mới (28/11)
- Làng nghề chuẩn bị vào xuân (28/11)
- Lắng nghe công nhân, lao động (28/11)
- Từ chối trả thưởng vé số trúng giải đặc biệt bị rách, công ty xổ số nói gì? (28/11)
- Thời tiết hôm nay 28/11: Miền Trung giảm mưa, miền Bắc vẫn rét, có nơi dưới 10 độ C (28/11)