Tiếng Việt | English

31/12/2016 - 14:48

Làng nghề bánh tráng góp chút vị xuân

Vào những ngày này, nhiều làng nghề bánh, mứt đang hối hả để kịp phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, trong đó có làng nghề bánh tráng ở khu phố Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2, phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An.


Vào những ngày cận tết, các lò bánh tráng tăng số lượng gấp 2-3 lần ngày thường

Đây là nghề truyền thống có từ hơn 50 năm trước. Năm 2013 đến nay, làng bánh tráng Nhơn Hòa được công nhận là làng nghề truyền thống. Những ngày cận tết, cả làng tất bật xay bột, tráng bánh, phơi bánh,... với số lượng nhiều hơn so với ngày thường. Nơi đây có khoảng 70 hộ dân theo nghề làm bánh tráng, đa số làm thủ công. Bánh tráng Nhơn Hòa nổi tiếng với độ mềm, dẻo, giữ được hương vị truyền thống. Bình quân một ngày, mỗi hộ tráng được 15kg bánh. Riêng hộ tráng bánh bằng máy cho ra lò 400kg bánh/ngày.

Bà Dương Thị Rạng, 61 tuổi, ngụ khu phố Nhơn Hòa 1 chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống 3 đời làm bánh tráng. Nhờ gắn bó với nghề mà kinh tế gia đình ổn định, tôi có điều kiện nuôi con ăn học. Đến nay, nghề tráng bánh không còn hưng thịnh như trước nhưng nhiều gia đình vẫn gắn bó vì không bỏ được nghề truyền thống. Ngày thường, mỗi ngày, tôi làm được khoảng 15kg bánh với giá bán 25.000 đồng/kg, lời trên 150.000 đồng. Vào những ngày giáp tết, số lượng có thể tăng lên gấp 2-3 lần. Bánh tráng Nhơn Hòa có độ dẻo vừa phải, không có chất bảo quản nên được nhiều người ưa chuộng”.


Bà Dương Thị Rạng tranh thủ tráng bánh để kịp phơi nắng

Cũng như gia đình bà Rạng, cuộc sống gia đình ông Dương Văn Đeo chủ yếu dựa vào nghề làm bánh tráng. Ông tiếp nối nghề này theo cách làm thủ công từ năm 1992 đến nay. Hàng ngày, vợ chồng ông vẫn xay gạo thành bột, nhóm lửa tráng bánh rồi đem phơi. Ông Đeo cho biết: “Nghề này khá vất vả, thu nhập không cao như trước đây, chủ yếu lấy công làm lời. Bánh tráng được tiêu thụ nhiều vào dịp tết, nhờ đó, những hộ theo nghề cũng có được cái tết đủ đầy hơn”. Còn chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, khu phố Nhơn Hòa 2 phát huy nghề truyền thống bằng việc đầu tư máy để làm bánh tráng. Mỗi ngày, với 15 lao động, lò sản xuất được bình quân 400kg bánh.

Bánh tráng Nhơn Hòa được làm với 100% bột gạo và không sử dụng hóa chất nên có hương vị đặc trưng, độ mặn vừa phải tạo cho bánh độ mềm, dẻo, cuốn với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm chua ngọt hay mắm nêm đều rất ngon.

Chủ tịch UBND phường 5, TP.Tân An - Nguyễn Văn Ẩn cho biết: “Làng nghề bánh tráng ở địa phương có từ lâu đời nhưng chủ yếu sản xuất nhỏ, lẻ. Sản lượng bánh làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong phường mà còn giao thương lái cung ứng cho các huyện trong tỉnh: Mộc Hóa, Châu Thành, Thủ Thừa, Bến Lức và tỉnh Tiền Giang. Mỗi năm, làng nghề cung cấp ra thị trường gần 300 tấn bánh thương phẩm với tổng giá trị sản xuất đạt trên 7,2 tỉ đồng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định, nhất là vào dịp tết”./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích