Tiếng Việt | English

07/05/2025 - 08:56

Tại sao nước mía lại cần cho thêm tắc?

Nước mía là thức uống rất quen thuộc với nhiều người, nhất là mùa hè thời tiết nóng nực. Nước mía cũng được cho là giúp giải nhiệt và mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe vì mía chứa khá nhiều dinh dưỡng.

Ảnh minh họa

Dinh dưỡng trong 100g mía

TS.BS Từ Ngữ - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho biết mía khá sạch so với những cây hay quả khác được bán nhiều trong mùa hè.

Trong quá trình trồng và thu hoạch, mía ít phải dùng thuốc kích thích hay chất bảo quản vì bản thân cây mía tươi lâu và có lớp vỏ dày bảo vệ. Khi dùng để giải nhiệt, mía được làm sạch phần vỏ phía ngoài nên độ an toàn khá cao.

Cách dùng mía tốt nhất là nên bỏ vỏ, mấu cứng, sau đó nhai trực tiếp phần thân mềm của mía. Việc sử dụng như vậy sẽ có nhiều tác dụng, đó là nhận được nhiều chất xơ hơn, khi nhai ngoài làm sạch răng, khoang miệng, mía còn giúp kích thích tuyến nước bọt tốt cho tiêu hóa.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, cứ mỗi 100g mía có chứa 84g nước, 0,2g chất đạm, 0,5g chất béo, 12g chất đường và nhiều nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt, các vitamin như B1, B2, C, D... 

Ngoài ra còn có các acid hữu cơ và nhiều loại enzym. Trong đường mía có sucrose (chiếm 70 - 88% chất rắn hòa tan trong dịch mía), glucose và fructose. Trong 100ml nước mía có chứa 20g đường, một lượng đường khá lớn vì thế không nên uống quá nhiều nước mía.

Bác sĩ Ngữ cũng cho hay nếu dùng nước mía ép nguyên chất để sử dụng thì sẽ không có tác dụng giải nhiệt, mà nó chỉ được coi là nước giải khát khi được cho thêm đá lạnh. Đá lạnh khi pha cùng nước mía nguyên chất vừa giúp ngon hơn, giải nhiệt tốt hơn và đặc biệt sẽ làm giảm độ ngọt trong một cốc nước mía.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo khi uống nước mía cần pha thêm đá để giảm độ đường, vì đá tan chảy ra sẽ làm tăng lượng nước và giúp làm lạnh tốt. 

Không nên để nước mía nguyên chất rồi làm lạnh và uống, khi đó dù có cảm giác lạnh nhưng độ ngọt và hàm lượng đường không thay đổi. Việc uống nước mía nguyên chất, không pha thêm nước hoặc cho thêm đá thì không nên coi đó là thức uống giải khát.

Lý do bởi một cốc nước mía chứa rất nhiều đường, uống vào sẽ khiến cơ thể nóng hơn. Hơn nữa, khi uống nhiều nước mía có thể gây tăng cân, vì mía chứa nhiều đường nên năng lượng nạp vào cơ thể là khá lớn, chưa kể việc sử dụng các thực phẩm khác trong ngày.

Tại sao nước mía lại cần thêm tắc?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia về công nghệ thực phẩm) cho biết khi cho quả tắc (quất) vào nước mía không làm tăng độ dinh dưỡng cho loại đồ uống này, mục đích duy nhất là để dậy mùi thơm, vị chua của tắc sẽ làm dịu độ ngọt của nước mía, để uống không cảm thấy gắt.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng việc cho tắc vào nước mía chỉ giúp vị giác cảm thấy độ ngọt bớt đi, chứ không làm giảm hàm lượng đường có trong cốc nước mía.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo chỉ nên cho ít vì nếu ép quá nhiều vỏ và hạt tắc sẽ gây đắng, khó uống. Ngoài ra, chỉ nên cho tắc vào khi uống ngay tại chỗ, còn lại không nên cho tắc vì sẽ nhanh hỏng, vì nó dễ bị lên men.

"Mía có chứa nhiều đường, vì thế mọi người không nên vì mát, vì thơm ngon mà dùng quá nhiều. Chỉ cần uống 2 cốc nước mía/ngày là đã đủ lượng đường được khuyến cáo dùng cho một người trưởng thành. 

Trong khi đường nạp vào cơ thể còn nhiều nguồn khác, nên nguy cơ dư thừa đường là rất lớn. Dùng quá nhiều đường sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường…

Bên cạnh đó, không nên uống sát bữa ăn, vì mía nhiều đường sẽ khiến ăn không ngon miệng hoặc chán ăn thực phẩm khác. Nên uống nước mía ở thời điểm nghỉ giải lao khi vừa lao động xong, hoặc khi cơ thể đang mất nước. 

Khi đó nước mía không chỉ giúp giải khát mà còn tiếp nước, năng lượng, giúp tỉnh táo hơn", ông Thịnh khuyến cáo./.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/tai-sao-nuoc-mia-lai-can-cho-them-tac-20250506193317132.htm

Chia sẻ bài viết