Những năm qua còn những trường hợp hiến đất làm đường nhưng chưa được cập nhật chỉnh lý biến động đất đai
Thực tế này rất dễ xảy ra phát sinh khiếu nại đất đai. Ngoài ra, việc chưa chỉnh lý biến động đất đai cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác cập nhật, chỉnh lý biến động các dự án, công trình liên quan đến thu hồi đất trước ngày 01/01/2017 đã thực hiện 174.688/217.147 thửa, đạt 80,5%.
Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động các dự án, công trình liên quan đến thu hồi đất sau ngày 01/01/2017 đã thực hiện 21.570/43.507 thửa, đạt 49,6%.
Kết quả cập nhật, chỉnh lý biến động trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của hộ gia đình, cá nhân từ ngày 01/01/2017 đến nay, đã thực hiện 1.060.310/1.205.949, đạt 89,9%.
Hồ sơ còn tồn chủ yếu tại các huyện Bến Lức, Châu Thành, Đức Hoà, Đức Huệ, Tân Hưng và Thạnh Hoá.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, số lượng thửa đất phải cập nhật, chỉnh lý biến động là rất lớn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự nỗ lực của toàn hệ thống ngành Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, do còn hạn chế về nhân lực và kinh phí nên một vài địa phương chưa thực hiện tốt công tác chỉnh lý biến động làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhất là đối với các trường hợp người dân hiến đất làm công trình công cộng (đường giao thông,…) gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, công tác kê biên, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Để hướng tới mục tiêu hoàn thành công tác cập nhật, chỉnh lý biến động trên địa bàn tỉnh trong năm 2025, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND cấp huyện, hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đẩy mạnh thực hiện công tác này.
Đối với hồ sơ còn tồn đọng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và các dự án, công trình vì lợi ích công cộng (theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm và người dân hiến đất) đã thực hiện trước ngày 01/01/2017 thì Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường rà soát, thống kê số lượng, xây dựng kế hoạch có lộ trình cụ thể, lập dự toán, ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện dứt điểm công tác cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính theo từng giai đoạn.
Đối với các công trình, dự án triển khai mới (từ ngày 01/01/2017) liên quan đến thu hồi đất (kể cả trường hợp người dân hiến đất) để xây dựng các công trình, dự án; các tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng,…trên địa bàn tỉnh do Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện làm chủ đầu tư thì Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các chủ đầu tư phải đưa chi phí chỉnh lý biến động đất đai vào hạng mục riêng trong dự toán công trình.
Đối với các công trình, dự án đang triển khai thì xem xét, bổ sung phần chi phí chỉnh lý biến động đất đai phát sinh vào dự toán công trình để địa phương có kinh phí thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định.
Đối với hồ sơ biến động phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai thì hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai có trách nhiệm cập nhật, chỉnh lý biến động đầy đủ, đồng bộ, song song cùng quá trình giải quyết hồ sơ.
Bên cạnh đó, hiện nay UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư triển khai, thực hiện dự án Tổng thể đo đạc bản đồ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính 107 xã, phường, thị trấn tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đang triển khai thực hiện công tác kê khai, đăng ký, xét duyệt hồ sơ. Dự án hoàn thành thì sản phẩm dự án sẽ đáp ứng tốt hơn công tác giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai của người dân cũng như công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai./.
Lê Đức