Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, người dân cảm thấy bất an trước các thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; rau, quả “tắm” thuốc trừ sâu; măng nhiễm Auramine,... rồi nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Phải chăng chúng ta đang tự đầu độc lẫn nhau? Đó là câu hỏi đã và đang được đặt ra, không chỉ thể hiện nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) mà còn là sự bất an trong đời sống xã hội hiện nay.
Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra, thanh tra gần 4.900 lượt cơ sở trong gần 6.150 số cơ sở đang được quản lý toàn tỉnh, ngành chức năng xử phạt 1.483 lượt cơ sở vi phạm về điều kiện ATTP.
Vừa qua, Đoàn Thanh tra liên ngành về ATTP nông-lâm-thủy sản qua thanh tra, kiểm tra tiến hành tiêu hủy 680kg măng chua và 1,2kg bột vàng ô, 50g đường siêu ngọt không rõ nguồn gốc và phạt 70 triệu đồng 2 cơ sở vi phạm.
Đó mới là những con số “bề nổi” do cơ quan chức năng phát hiện. Bên cạnh đó, vẫn còn những hoạt động lén lút, vi phạm về bảo đảm vệ sinh ATTP trong sản xuất, kinh doanh, đang hằng ngày đe dọa sức khỏe cộng đồng mà chưa bị phát hiện. Từ đó, nỗi lo của người tiêu dùng ngày một lớn hơn.
Tháng hành động Vì ATTP năm 2016 diễn ra từ ngày 15-4 đến ngày 15-5 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Hưởng ứng tháng hành động, các địa phương trong tỉnh, ngành chủ quản tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh lẫn ý thức của người tiêu dùng; đồng thời, kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về điều kiện ATTP.
Không chỉ có những việc làm thiết thực hưởng ứng tháng hành động, mọi chúng ta phải luôn nâng cao trách nhiệm cộng đồng, ý thức bảo đảm vệ sinh ATTP trong mọi lúc, mọi nơi.
Người sản xuất phải xem việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng cũng như bảo vệ sức khỏe chính mình, từ đó nói không với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu đến mức thấp nhất lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông nghiệp,... Các nhà kinh doanh đừng vì cái lợi trước mắt mà kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm thiếu an toàn.
Chúng ta hãy luôn là “người tiêu dùng thông minh”, lựa chọn thực phẩm bảo đảm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín. Công tác quản lý cần được tăng cường; cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh những bất cập. Có như vậy, vấn đề ATTP mới không còn là nỗi lo trong xã hội như hiện nay.
Lòng tin rất cần được tạo nên nơi người tiêu dùng từ nhà sản xuất, kinh doanh, đấy chính là cách xây dựng thương hiệu bền vững nhất. Đừng vì thấy lợi trước mắt mà tự đầu độc nhau!/.
Khánh Tâm