Các món ăn đặc sản Việt Nam "ngon, bổ, dưỡng" vừa được VietKings gửi đến Tổ chức Kỷ lục châu Á đề cử lần này gồm: bánh canh Nam Phổ (tỉnh Thừa Thiên - Huế), bánh mì Hội An (tỉnh Quảng Nam), gỏi sầu đâu (tỉnh An Giang), gỏi cá trích Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và lẩu mắm U Minh (tỉnh Cà Mau).
Tô bánh canh Nam Phổ hấp hẫn với màu trắng của bánh canh, màu đỏ của nhân tôm thịt, xen lẫn màu xanh mướt của hành lá. VIETKINGS
Nếu như cái tên bánh canh Nam Phổ xuất phát từ món ăn gia truyền của làng Nam Phổ, Phú Vang, Huế, có hương vị đậm đà, độc đáo, khiến thực khách thưởng thức một lần là nhớ mãi thì bánh mì Hội An cũng là một trong những món ăn đường phố khoái khẩu.
Nguyên liệu của món bánh canh Nam Phổ không quá cầu kỳ với sợi bánh canh, tôm, cua chả,... nhưng lại rất tỉ mỉ, công phu trong quá trình chế biến. Bột bánh canh được pha theo tỉ lệ 3 gạo – 1 lọc và được hấp bột theo kiểu cách thủy cho sánh rồi mới nặn sợi vào nước sôi để luộc.
Nước dùng nấu bánh canh Nam phổ là nước luộc tôm, cua tươi, hầm xương nên luôn có vị ngọt tự nhiên. Nhân bánh canh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm. Tất cả được làm sạch, giã nhuyễn, viên nhỏ và nấu thành hỗn hợp sóng sánh. Tô bánh canh hấp dẫn với màu trắng của bánh canh, màu đỏ của nhân tôm thịt, xen lẫn màu xanh mướt của hành lá. Khi dùng trộn thêm chút nước mắm ớt xanh cay cay ngon đúng điệu.
Những ổ bánh mì phố Hội được yêu mến không chỉ bởi sự giản dị bình yên của các hàng quán ven đường mà còn mang hương vị đặc trưng riêng của chính người dân nơi đây tạo nên. VIETKINGS
Bánh mì Hội An thì đa dạng các loại nhân như: bánh mì kẹp thịt, bánh mì pate, bánh mì gà, bánh mì xá xíu,… món ăn đã nhanh chóng chinh phục cả những thực khách khó tính nhất. Vị nóng giòn của vỏ bánh cùng vị béo ngậy, thơm thơm của các loại nhân khiến cả du khách trong và ngoài nước sẵn lòng xếp hàng dài để được thưởng thức món đặc sản này. Cắn một miếng bánh, bạn sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo, tinh túy của ẩm thực Hội An. Những ổ bánh mì phố Hội được yêu mến không chỉ bởi sự giản dị bình yên của các hàng quán ven đường mà còn mang hương vị đặc trưng riêng của chính người dân nơi đây tạo nên.
Toàn món ăn dân dã, không cầu kỳ
Gỏi sầu đâu là món ăn đặc sản mà người dân An Giang đãi khách khi đến thăm nhà. Món gỏi sầu đâu được biết đến là món ăn của người Campuchia. Món ăn này du nhập vào Việt Nam thông qua những gia đình người Khmer sinh sống ven biên giới Việt Nam như các tỉnh như An Giang, Kiên Giang,... Nguyên liệu để làm món gỏi này gồm lá và hoa của cây sầu đâu, thịt ba rọi, khô cá sặc hoặc khô cá lóc, dưa leo, xoài sống, thơm (dứa), nước mắm, me vắt, tỏi, ớt,... Người ta thường trụng lá và hoa sầu đâu vào nước sôi cho bớt vị đắng rồi để ráo nước. Trộn đều tất cả hỗn hợp với nước mắm ớt pha chua ngọt cho vừa khẩu vị. Cuối cùng, rắc thêm một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã dập, thêm vài lát ớt vào đĩa gỏi là đã có 1 món ăn vô cùng đặc sắc.
Một số món ăn đặc sản Việt Nam được VietKings gởi đến Tổ chức Kỷ châu Á đề cử lần này. VIETKINGS
Người sành ăn món này cho rằng, khi ăn mới đầu có cảm giác đăng đắng ở lưỡi. Nhưng khi nhai thật kỹ nuốt vào thì lại có cảm giác ngọt thanh trong cuống họng, càng ăn càng nghiện. Món ăn tuy dân dã, không cầu kỳ nhưng lại mang đến cho người thưởng thức nhiều trải nghiệm thú vị.
Còn gỏi cá trích Phú Quốc từ lâu đã trở thành món ăn tiêu biểu mang hương vị đặc trưng riêng của vùng biển đảo. Thịt cá trích ngon và lành tính nên được chế biến thành nhiều món ngon như nướng lá lốt, chiên, nấu canh chua, kho lạt, sốt cà chua, làm chả,... nhưng nổi bật nhất vẫn là gỏi. Món gỏi cá trích tưởng đơn giản nhưng thực ra được chế biến rất kỳ công. Người nấu phải lựa cá còn tươi, để phần thịt thơm, béo ngọt, ít tanh, đánh sạch vảy, bỏ ruột, đầu, vây, đuôi, lóc bỏ xương, lấy phần thịt hai bên.
Nguyên liệu ăn kèm gồm có hành tây thái mỏng, cà rốt thái sợi, dừa nạo, thêm tỏi băm phi vàng và ngò rí,... Tất cả trộn đều với cá trích cùng nước sốt chua. Điểm đặc biệt của gỏi cá trích là phần nước sốt không làm từ nước cốt chanh mà được trộn dấm nuôi bằng trái ổi chín, nêm thêm ít muối và đường để món ăn mang hương vị chua thanh và có mùi thơm dịu.
Món gỏi cá trích ngon không thể thiếu chén nước chấm pha từ ớt tỏi băm, đậu phộng rang vàng bóc vỏ tán nhuyễn, pha với nước mắm Phú Quốc ngon, thêm ít đường, chanh,...
Đất mũi Cà Mau không chỉ có phong cảnh đẹp, hiền hòa mà lẩu mắm U Minh với nồng đậm đặc trưng luôn làm lưu luyến bước chân du khách.
Nồi lẩu mắm U Minh được chế biến khéo léo sẽ đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức. Nước lẩu được nấu từ mắm cá sặc bướm rất thơm và dậy mùi. Lẩu mắm hợp với nhiều loại thịt hay cá tùy thích. Nhưng lẩu mắm U Minh nhất định phải được nấu với cá đồng.
Gỏi cá trích và lẩu mắm U Minh được chế biến khéo léo sẽ đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức. VIETKINGS
Ngon nhất là lươn, cá rô mề, cá lóc to hoặc cá trê trắng mới trúng sách. Ngoài cá ra, lẩu mắm có thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi,... nhưng điều thú vị nhất khi ăn món lẩu mắm là được thưởng thức rất, rất nhiều loại rau đồng. Lẩu mắm U Minh tuy thấy dân dã, nhưng cũng rất cầu kỳ, không phải ai cũng làm nên được hương vị thơm ngon, hấp dẫn, xao xuyến lòng người. Cũng chính vì sự đặc trưng ấy của lẩu mắm U Minh đã tạo nên được thương hiệu ẩm thực của vùng đất nơi đây.
Được biết, kết quả xác lập kỷ lục sẽ được Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam hiện cũng đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ đề cử kỷ lục thế giới cho Việt Nam ở nhiều hạng mục khác trên hành trình đưa ẩm thực Việt ra thế giới./.
Theo Thanh Niên