Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Thị trưởng thành phố Busan Oh Keo-don. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 04/12, báo chí Hàn Quốc đã đưa tin đậm nét về chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Nhật báo Busan và Quốc tế Busan ngày 04/12 đã đăng bài viết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong đó cho biết mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc được bắt đầu từ cách đây gần 900 năm, khi Hoàng tử Lý Dương Côn và Hoàng tử Lý Long Tường lần lượt đến định cư tại mảnh đất Cao Ly.
Ngày nay, quan hệ Việt-Hàn đang phát triển ngày càng toàn diện trên cơ sở những mối liên kết lịch sử, sự tương đồng về văn hóa, sự bổ trợ lẫn nhau về kinh tế, sự vun đắp của chính phủ và nhân dân hai nước.
Qua 26 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992), hai nước đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau…
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cùng ngày cũng đã đăng ảnh kèm theo chú thích nêu rõ Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới Hàn Quốc ngày 04/12 trong chuyến thăm 4 ngày theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang.
Trước đó, báo Korea Herald đăng bài viết của Tiến sỹ Kim Hyun-jae, Giám đốc Viện Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Youngsan (Hàn Quốc) với tựa đề "Chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam báo hiệu mối quan hệ đối tác song phương tươi sáng."
Bài báo cho hay chuyến thăm này diễn ra khi Hà Nội và Seoul sắp kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược (2009-2019).
Kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 22/12/1992, mối quan hệ giữa hai nước đã ngày càng chặt chẽ trong mọi lĩnh vực.
Seoul đánh giá cao các mối quan hệ với Việt Nam và vai trò quan trọng của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ở cấp Quốc hội, các trao đổi song phương và hợp tác trên trường quốc tế diễn biến rất tích cực qua các kênh khác nhau, đặc biệt qua hội hữu nghị nghị sỹ Việt-Hàn.
Về mặt kinh tế, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam với tổng số vốn đạt 62,12 tỉ USD tính tới tháng 10 năm nay.
Hàn Quốc cũng đứng thứ hai về Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam sau Nhật Bản và đứng thứ hai về du lịch và thương mại sau Trung Quốc.
Theo bài báo, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Mỹ, và dự báo vượt Mỹ trước năm 2020.
Kim ngạch thương mại song phương tăng lên 61,5 tỉUSD vào năm ngoái - gấp 117 lần con số ban đầu 500 triệu USD năm 1992.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 55,45 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm nay. Với tốc độ này, con số này dự kiến sẽ vượt 100 tỉ USD/năm vào năm 2020.
Các hoạt động hợp tác văn hóa-xã hội cũng không kém phần sôi động. Khoảng 191.000 người Việt Nam đang học tập, làm việc và sinh sống ở Hàn Quốc, và hiện có khoảng hơn 150.000 người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam.
Các cộng đồng này là nền tảng của các mối quan hệ song phương. Bên cạnh đó, các mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên gần gũi hơn với hơn 70.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc.
Về du lịch, Việt Nam là điểm đến ưa thích nhất của người Hàn Quốc trong khu vực Đông Nam Á.
Khoảng 2,5 triệu người Hàn Quốc đã tới Việt Nam năm ngoái, trong khi có khoảng 300.000 người Việt Nam đã đi du lịch Hàn Quốc năm 2017.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nhận xét: “Các mối quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN là rất cần thiết cho hòa bình và thịnh vượng của Hàn Quốc, và Việt Nam là trung tâm của mối quan hệ đó.” Hà Nội có thể đóng vai trò trung tâm trong Chính sách hướng Nam mới của Seoul nhằm tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á.
Theo bài viết của tiến sỹ Kim Hyun-jae, vai trò và vị trí của Việt Nam trong ASEAN đã gia tăng khi Hà Nội theo đuổi chính sách “đa phương hóa” nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao trong khu vực. Nhiều nước đang hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ 2020-21.
Đặc biệt, con đường cải cách và mở cửa thành công của Việt Nam - chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch sang một nền kinh tế thị trường - có thể là mô hình đối với Triều Tiên, một đất nước mà Việt Nam duy trì các mối quan hệ thân mật.
Dân số của Việt Nam là 100 triệu người, trong đó 60% là dưới 35 tuổi, là cơ sở quan trọng cho nguồn nhân lực của các công ty nước ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và vững chắc khoảng 6% trong vài năm qua và tỷ lệ lạm phát dưới 5%. Tỷ giá hối đoái cũng tiếp tục ổn định, không có biến động bất thường.
Cũng theo tiến sỹ, để thu hút vốn đầu tư của Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam có nhiều ưu đãi khác nhau và tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp với mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ cao, các ngành năng lượng và công nghiệp phụ trợ, cũng như các ngành khác. Cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính là những việc hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Truyền thông Hàn Quốc đều tin tưởng rằng chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ đang phát triển mạnh giữa hai nước lên các tầm cao mới./.
Theo TTXVN