Tiếng Việt | English

28/05/2018 - 10:42

Báo Nhật Bản đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Nhật Bản

Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là dấu mốc quan trọng cho 45 năm phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nhật Bản, tờ Thời báo Nhật Bản (The Japan Times) số ra ngày hôm nay (28/5) đã trang trọng đăng tải bài viết bình luận về tầm quan trọng của chuyến thăm cũng như nêu bật sự phát triển của quan hệ Việt Nam Nhật Bản trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bài viết khẳng định chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng củng cố, phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sau đây là toàn văn bài viết:

Bài viết trên báo Nhật Bản đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Nhật Bản

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang vị quốc khách của Nhật Bản

Nhận lời mời của Nhà vua Akihito, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Nhật Bản từ 29/5 - 2/6 với vai trò là quốc khách. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam (1973 – 2018), đồng thời một lần nữa khẳng định và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa hai quốc gia, sau chuyến thăm lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam vào tháng 2/2017.

Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là dấu mốc quan trọng cho 45 năm phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mối quan hệ này ngày càng được củng cố, tăng cường đi vào thực chất, trên cơ sở lợi ích chiến lược tương đồng.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng được củng cố và phát triển. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào tháng 3/2014.

Trải qua 45 năm phát triển quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Nhật Bản được củng cố và tăng cường, Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế, khu vực. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2 vào tháng 1/2013 và là lãnh đạo đầu tiên trong các nước G7 mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

Nhật Bản và Việt Nam luôn ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp quốc (LHQ), ASEAN, APEC, ASEM, Hội đồng nhân quyền LHQ... Việt Nam đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản trong “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”. Do có vị trí chiến lược giáp tuyến đường hàng hải quan trọng trên Biển Đông và nằm ở cửa hành lang kinh tế nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - tuyến đường mang tính sống còn đối với Nhật Bản. Đặc biệt trong bối cảnh Biển Đông đã bị quân sự hóa, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định khu vực, Nhật Bản và Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Năm 2017, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư, đồng thời là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Tình hữu nghị đã khơi nguồn cho các hoạt động tương trợ, giúp đỡ giữa Nhật Bản và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như hợp tác lãnh sự, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu, giao lưu địa phương.

Nhật Bản và Việt Nam cùng nằm ở châu Á-Thái Bình Dương. Sự tin cậy về chính trị, sự tương đồng về văn hóa giữa hai dân tộc cũng như những thành quả đầy ấn tượng của hợp tác trong suốt 45 năm qua là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ đưa quan hệ giữa hai quốc gia tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, hướng tới tương lai.

Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới đây sẽ góp phần quan trọng củng cố, phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

Việt Dũng/VOV-Tokyo

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích