Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học
Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành Công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh, thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Đồng thời, kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh, thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh, thiếu niên hút thuốc lá sống tại khu vực Đông Nam Á.
Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy, trẻ em từ 13-15 tuổi có tỷ lệ đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá cao, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Trên địa bàn tỉnh Long An, tuy chưa có số liệu khảo sát cụ thể, nhưng thuốc lá điện tử đã xuất hiện trong môi trường học đường, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng thuốc lá mới, nguy hiểm trong giới trẻ.
Người sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị tổn thương phổi cấp tính và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư
Để sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng, trong đó có rất nhiều loại hương liệu độc hại, đặc biệt, có chứa cả nicotine là chất gây nghiện mạnh nếu bị phụ thuộc.
Các sản phẩm thuốc lá mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha) rất có hại cho sức khỏe của cả người sử dụng và những người xung quanh, là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.
Người sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị tổn thương phổi cấp tính và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, gây ra các hậu quả xấu trước mắt và lâu dài về sức khỏe; làm phát sinh tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Nhằm tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25/5-31/5) và tăng cường thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá.
Đồng thời, phối hợp Sở Y tế xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá; kịp thời thông tin, phổ biến về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha theo quy định;.../.
Huỳnh Hương