Tiếng Việt | English

03/02/2024 - 10:35

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp Đại diện cấp cao EU và bộ trưởng các nước châu Âu

Tại cuộc gặp với Đại diện cấp cao EU và bộ trưởng các nước EU, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định EU và các thành viên EU là những đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24 (AEMM-24). (Nguồn: Báo Quốc tế)

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24 (AEMM-24). (Nguồn: Báo Quốc tế)

Trong hai ngày 1 và 2/2, nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24 và Diễn đàn Bộ trưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ 3 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có nhiều cuộc tiếp xúc với bộ trưởng các nước, trao đổi các vấn đề cụ thể về thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương cũng như phối hợp trong các cơ chế khu vực và quốc tế.

Tại cuộc gặp với Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam chủ trương đẩy mạnh và làm sâu sắc khuôn khổ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.

Bộ trưởng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; triển khai đầy đủ, hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có; 10 nước thành viên EU còn lại hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU; đồng thời mở rộng các dự án hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, nhất là thông qua khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) và Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU.

Việt Nam mong muốn phối hợp chặt chẽ với EU trên các diễn đàn đa phương và sẵn sàng làm cầu nối giúp EU kết nối với khu vực.

Đại diện cấp cao Josep Borrell khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của EU tại khu vực, hứa sẽ thúc đẩy sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVIPA, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư châu Âu đang chuyển hướng vào Việt Nam.

Về IUU, ông Borrell ghi nhận nỗ lực tích cực của Việt Nam trong thời gian qua và mong Đoàn thanh tra của EC sắp tới sẽ đạt kết quả tốt. Phó Chủ tịch EC cũng thông báo kế hoạch thăm Việt Nam vào mùa Hè này.

Cũng trong cuộc gặp, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bulgaria, Mariya Gabriel, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước tiếp tục được vun đắp và phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực; nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1975-2025).

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định khu vực Trung Đông Âu đóng vai trò rất quan trọng, là cửa ngõ, cầu nối để Việt Nam tăng cường hợp tác với EU, trong đó Bulgaria là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu.

Bộ trưởng hoan nghênh việc Quốc hội Bulgaria phê chuẩn Hiệp định EVIPA và đề nghị Bulgaria ủng hộ việc EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam, cũng như quan tâm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ưu tiên về chuyển đổi năng lượng và phát triển Xanh.

Hai bên nhất trí phối hợp chuẩn bị tốt cho các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao sắp tới; sớm nối lại kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật; đồng thời tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là hợp tác về giáo dục-đào tạo, lao động, nông nghiệp, y tế và du lịch.

Về phần mình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Mariya Gabriel ghi nhận tích cực các đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn; khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế.

Trong bầu không khí ấm tình hữu nghị với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski, hai bên khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và trao đổi nhiều biện pháp để thúc đẩy quan hệ phát triển mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Ba Lan sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA trong năm 2024 nhằm góp phần đẩy mạnh quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa EU và Việt Nam; ủng hộ EC sớm gỡ bỏ IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy thực hiện những thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước; tăng cường hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski chia sẻ những ý kiến của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn; đánh giá cao những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt tại Ba Lan sinh sống ổn định, lâu dài, hợp pháp tại Ba Lan, góp phần củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, hai bên cùng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Với Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares Bueno, hai bên khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Tây Ban Nha; nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA); mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, giáo dục đào tạo...

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh và tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; cảm ơn Tây Ban Nha đã phê chuẩn Hiệp định EVIPA, đề nghị Tây Ban Nha giúp thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao José Manuel Albares Bueno ghi nhận tích cực các đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam trong năm nay nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước cũng như đề nghị hai nước xem xét khả năng hợp tác trong xây dựng đường sắt cao tốc.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Giorgos Gerapetritis bày tỏ ngưỡng mộ các thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam; đồng thời chia sẻ niềm tự hào về sức chống chịu mạnh mẽ của nền kinh tế Hy Lạp.

Với tốc độ tăng trưởng 3%, Hy Lạp dẫn đầu các nền kinh tế châu Âu trong năm nay.Hai bộ trưởng đánh giá cao những bước phát triển trong quan hệ hai nước, đồng thời nhất trí hai bên cần tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Hy Lạp đã phê chuẩn EVIPA, đồng thời mong Hy Lạp thúc đẩy các nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn hiệp định này.

Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên đẩy mạnh việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về vận tải biển, lao động và tránh đánh thuế hai lần; mong hai bên nghiên cứu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, trong đó có Chuyển đổi Số và Tăng trưởng Xanh.

Hai bộ trưởng cũng thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ đề cao chủ nghĩa đa phương; ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên các biển và đại dương; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Elina Valtonen, hai bên đánh giá cao những bước phát triển của quan hệ song phương trong thời gian qua, nhất là việc trao đổi đoàn cấp cao và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Phần Lan; bày tỏ tin tưởng việc Phần Lan phê chuẩn Hiệp định EVIPA, đồng thời triển khai Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội hợp tác mới cho hai nước, nhất là về nông nghiệp, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, Tăng trưởng Xanh.

Bộ trưởng đề nghị Phần Lan hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề thẻ vàng IUU và phát triển nghề cá bền vững.Bộ trưởng Elina Valtonen ghi nhận tích cực các đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn; nhấn mạnh công nghệ cao là lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng của hai nước; mong Việt Nam hỗ trợ Phần Lan tăng cường quan hệ với ASEAN, trong đó có việc ủng hộ Phần Lan tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có việc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trong chiều 2/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Cao ủy EU phụ trách đối tác quốc tế Jutta Urpilainen.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chúc mừng EU và bà Jutta Urpilainen đã tổ chức thành công hai hoạt động quan trọng dịp này, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ ASEAN–EU và EU với các đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; khẳng định EU và các thành viên EU là những đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Bà Jutta Urpilainen nhấn mạnh Việt Nam là đối tác duy nhất đã thiết lập 5 khuôn khổ hợp tác lớn với EU trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, thương mại, đầu tư và năng lượng; bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết, góp phần đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn EU đã ưu tiên dành nguồn vốn hỗ trợ Việt Nam phát triển thời gian qua; bày tỏ mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường kết nối và chuyển đổi năng lượng.

Hai bên cũng trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới; nhất trí tiếp tục đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực và trên thế giới; đề cao việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc./.

Theo TTXVN

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-bui-thanh-son-gap-dai-dien-cap-cao-eu-va-bo-truong-cac-nuoc-chau-au-post925425.vnp

Chia sẻ bài viết