Tiếng Việt | English

01/04/2025 - 16:31

Các nền kinh tế lớn tìm cách đối phó thuế quan mới của Tổng thống Trump

Các nhà kinh tế dự báo khoảng 15% các đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong nhiều năm qua, còn gọi là “Dirty 15,” sẽ là mục tiêu của đợt thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump.


Tổng thống Donald Trump cho rằng kinh tế Mỹ đang bị các quốc gia lợi dụng. (Ảnh: Vietnam+)

Truyền thông Mỹ ngày 31/3 đưa tin các đối tác thương mại của nước này đang tìm cách đối phó với các khoản thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ được đưa ra trong ngày 4/2.

Hiện, vẫn chưa rõ những khoản thuế đối ứng mới sẽ được áp dụng theo từng ngành hay áp dụng với toàn bộ lĩnh vực thương mại.

Trong các phát biểu trước đó, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ có hành động đáp trả vì kinh tế Mỹ đang bị các quốc gia lợi dụng, nhưng chưa rõ khung thuế mới sẽ được áp dụng ở mức bao nhiêu %.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, thuế quan mới sẽ nhắm tới từng đối tác thương mại cụ thể.

Tuy nhiên, cũng có nguồn tin cho rằng các khoản thuế mới sẽ chỉ áp dụng cho từng mặt hàng cụ thể như dược phẩm và chất bán dẫn.

Tờ Wall Street Journal đưa tin các cố vấn của Tổng thống Trump cân nhắc sẽ áp thuế quan toàn cầu lên tới 20% và nhắm tới hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ.

Các nhà kinh tế dự báo khoảng 15% các đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong nhiều năm qua, còn gọi là “Dirty 15,” sẽ là mục tiêu của đợt thuế quan lần này.

Trong khi đó, từng đối tác thương mại của Mỹ đang rất rốt ráo tìm cách giảm thiểu rủi ro từ thuế quan Mỹ theo những cách khác nhau. Ấn Độ được cho là sẽ giảm một số loại thuế.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ phản ứng cứng rắn với thuế quan của Mỹ nhưng vẫn để ngỏ khả năng thỏa hiệp. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde kêu gọi châu lục hướng tới độc lập kinh tế.

Thủ tướng Anh Keir Starmer thì thông báo đã thảo luận với Tổng thống Trump về thỏa thuận thương mại song phương.

Giới quan sát cho rằng thời hạn áp dụng thuế quan mới của Mỹ với từng nước sẽ thay đổi theo cách thức phản ứng của mỗi nước sau đó, giống như cách Mỹ áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada.

Ông Peisch, cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết có nhiều kịch bản khác nhau như trì hoãn áp thuế trong lúc đàm phán, áp dụng thuế ngay lập tức hay giảm thuế theo thỏa thuận song phương.

Viễn cảnh ngày Mỹ áp thuế đối ứng với các nước đến gần đã làm rung chuyển các thị trường trên toàn cầu, khiến các chỉ số chứng khoán chính của châu Âu, châu Á và châu Mỹ lên tục điều chỉnh.

Dư luận lo ngại thuế quan Mỹ có thể gây nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu, do những phản ứng đáp trả dây chuyền từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc hay EU, từ đó làm tăng khả năng suy thoái, thậm chí là lạm phát đình đốn tại Mỹ.

Goldman Sachs nâng xác suất suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng từ 20% lên 35%, đồng thời cũng tăng dự báo lạm phát cơ bản vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết đã chuẩn bị cho mọi tình huống.

Theo Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, thuế quan đang gây hiệu ứng lo lắng nhiều hơn là tác động thực tế lên kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia Ryan Sweet của Oxford Economics dự đoán Tổng thống Trump sẽ chỉ nhắm vào một số đối tượng cụ thể và cần tìm hiểu rõ xem đây chỉ là một chiến thuật mượn thuế để đàm phán của Tổng thống Trump hay là một phần của sự thay đổi lớn hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cac-nen-kinh-te-lon-tim-cach-doi-pho-thue-quan-moi-cua-tong-thong-trump-post1024038.vnp

Chia sẻ bài viết