Tiếng Việt | English

07/11/2017 - 11:27

Cách mạng Tháng Mười Nga: Nhìn lại lịch sử để hướng về tương lai

Sau một thế kỷ, những sự kiện năm 1917 mà vĩ đại nhất là cách mạng Tháng Mười đưa nước Nga bước sang kỷ nguyên mới được người Nga nhìn nhận từ nhiều góc độ.

Rạng sáng 07/11/1917, quân khởi nghĩa tấn công vào Cung điện Mùa Đông ở Petrograd (nay là Saint Petersburg), mở đầu cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ở thời đại công nghệ thông tin, truyền thông phát triển như vũ bão thì các sự kiện liên quan kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại được phản ánh, phân tích qua rất nhiều chương trình thông tin - thường được gọi là “các dự án truyền thông” - đặc sắc. Mỗi dự án một vẻ và trên nền tảng ứng dụng công nghệ khác nhau nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu cốt lõi là chiếm được trái tim, khối óc của độc giả, khán thính giả, nhất là trong giới trẻ.

Năm 1917

Có một sự trùng hợp lý thú: rất nhiều chương trình truyền thông ở Nga được gọi là “Năm 1917” hoặc với cái tên “Năm 1917” nhưng kèm theo một cái “đuôi” nào đó. Chẳng hạn, “Năm 1917 - lịch sử đa chiều”, “Năm 1917 - hiểu đúng để hòa giải”… Chắc chắn, có hiện tượng “đua nở” xung quanh mốc lịch sử 1917 chỉ bởi vì đây là một cột mốc vĩ đại đánh dấu sự đổi thay sâu sắc nhất trong vận mệnh nước Nga và cục diện thế giới trong Thế kỷ 20.

Thêm nữa, bởi vài năm nay từ khóa “Năm 1917” (trong bài viết này nói về từ khóa tiếng Nga) gần như là từ khóa phổ biến nhất trên mạng Internet.

“Năm 1917” được đề cập ở đây là một dự án truyền thông làm sống lại các sự kiện lịch sử 100 năm trước thông qua những trang nhật ký, thư từ, ghi chép, hồi ức của những người chứng kiến sự kiện thời đó và các trang báo, bản tin ấn hành năm 1916-1917 ở Nga, đặc biệt tại Petrograd (nay là Saint Peterburg ) và Moskva.

Dự án này do nhà xuất bản Yandex của công ty dịch vụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất nước Nga Yandex chủ trì, với sự tham gia của nhiều học giả, nhà báo, nhà kinh tế… Các tư liệu do dự án này sưu tầm giúp bạn đọc nhìn lại bối cảnh nước Nga trước cách mạng năm 1917 - đó là một nước Nga lâm vào khủng hoảng toàn diện, sâu sắc, chính quyền thối nát, người dân lâm vào cảnh đói khát…

Chỉ riêng đọc những tin, bài ở chuyên mục “Không còn cái ăn” của dự án “Năm 1917” người đọc hiện nay cũng thấy được cuộc sống người dân Nga thời đó cùng cực như thế nào.

Tờ Petrograd ngày 26/11/1916 đưa tin: “Giá bán bắp cải vừa được quy định: 10 kopeck nửa cân (0,5kg), nhưng đáng tiếc giá bắp cải muối chua lại không được ấn định. Lợi dụng điều này, con buôn “chém” 20 kopeck nửa cân mặc dù mới đây giá chỉ 3 kopeck.

”Tờ Petrograd ngày 05/12/1916 viết: “Bây giờ ở Moskva bơ, sữa, gạo tấm đều phân phối theo tem phiếu.” Ngày 12/7/1917 viết: “Xếp hàng ngày càng dài! Trứng gà được phân phối theo phiếu mua bánh mỳ. Bơ đã biến mất, sữa hầu như không còn.”

Còn tờ Sáng sớm ra ngày 06/9/1917 thì đưa tin về vụ đập phá cửa hàng bánh mỳ: “Mọi sự bắt đầu khi những người xếp hàng mua bánh mỳ ở một đường phố kháo nhau về tình trạng cắt giảm khẩu phần bánh mỳ và có chuyện mờ ám trong khâu bán bánh mỳ. Đám đông đùng đùng nổi giận, khi cửa hàng vừa mở là họ ào ào xông vào cướp phá. Nhờ có cảnh sát được điều đến nên mới vãn hồi được trật tự”…

Rõ ràng hoàn cảnh 100 năm trước đã chín muồi, tạo ra thời cơ cho những người Bolsevik làm cách mạng giành chính quyền, chia ruộng đất cho nông dân, trao nhà máy vào tay công nhân để họ tự do quyết định điều kiện sống của mình.

Những đứa trẻ 1917

Đó là tên gọi một dự án truyền thông được nhiếp ảnh gia người Nga Mikhail Mordasov phối hợp nhà báo Mỹ Paul Richardson triển khai từ cuối năm 2016 nhân 100 năm Cách mạng 1917.

“Những đứa trẻ 1917” là những cuộc gặp gỡ với những người có cha, ông đã sống trên lãnh thổ đế chế Nga năm 1917. Đây là những người thuộc nhiều tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo khác nhau, có trình độ học vấn và điều kiện sống khác nhau, có quan điểm chính trị khác nhau. Các nhân vật trả lời, phát biểu trong dự án truyền thông này được lựa chọn theo một phương thức, tiêu chí nhất định nhằm để các câu chuyện của họ phản ánh một cách xác thực nhất những sự kiện của thời lịch sử đó, đồng thời cũng cho thấy số phận của nhiều người cũng như của cả dân tộc đã diễn biến như thế nào trong suốt thời gian 100 năm sau khi họ chào đời.

Đến nay, vào đúng dịp tròn 100 năm Cách mạng Tháng Mười, dự án vẫn tiếp tục. Kết quả của dự án này sẽ là một cuốn sách ảnh và một bộ phim tài liệu dự kiến ra mắt cuối năm 2017.

“Xương sống” của của cuốn sách và bộ phim là những chân dung đơn và chân dung tập thể, những bức ảnh thành phố, làng mạc và nhà cửa nơi các nhân vật của dự án sinh sống; là những câu chuyện gia đình, về những địa danh nổi tiếng và những sự kiện quan trọng gắn liền với năm lịch sử 1917.

Ngoài ra, để thu hút được sự quan tâm sâu rộng của dư luận và bảo đảm sự tương tác thường xuyên giữa với các tầng lớp bạn đọc, những người làm dự án cũng mở blog để các đối tác và nhà tài trợ dự án có thể theo dõi sát sao tiến trình chuẩn bị dự án, có thể thấy các chuyến đi, các cuộc gặp gỡ với nhân vật diễn ra như thế nào và sẽ biết được tiến trình biên soạn sách, xây dựng phim tài liệu tiến triển ra sao.

Trong “mê hồn trận” truyền thông

Các hãng thông tấn, báo, tạp chí, kênh truyền hình, phát thanh của Nga cũng triển khai rất sớm, có đơn vị khởi động từ năm 2015-2016, các chương trình truyền thông chuyên đề đặc biệt. Hãng TASS có dự án “1917 - đối diện khoảng trống” đăng tải nhiều hồi ức của các chứng nhân lịch sử, tư liệu lưu trữ, phim, ảnh về năm 1917.

Theo nhà báo Alexandr Bychkov, người phụ trách dự án truyền thông này, hãng thông tấn nhà nước Nga “cố gắng mang đến cho bạn đọc sự thật lịch sử, những minh chứng của những người đã trực tiếp tham gia các sự kiện một Thế kỷ trước và giới thiệu những góc nhìn đa chiều đối với mỗi sự kiện.”

Dự án của TASS cũng thường xuyên thông tin về các phát biểu của lãnh đạo nhà nước, các chính đảng cũng như các hoạt động ở Nga và trên thế giới nhân dịp 100 năm cách mạng Nga.

Hãng RIA-Novosti thực hiện dự án “Cách mạng Nga vĩ đại”, tờ Báo có dự án “Một trăm năm không vua : cách mạng Tháng Hai năm 1917”, tờ Quan điểm, Lập luận và sự kiện, Báo Nga... đều có các chương trình đặc biệt.
Các hội, viện bảo tàng, thư viện, trường đại học, các trang thông tin điện tử đều xây dựng chương trình truyền thông trực tuyến quy mô lớn, như “Lịch sử Nga qua ảnh”, “Biên niên sử nước Nga”, “100 năm Cách mạng Tháng Mười năm 1917”, “Cách mạng Nga và thế giới”, “Điểm giao hai kỷ nguyên”, “Tháng Mười 1917 trong vận mệnh nước Nga”, “Con người và số phận trong Thế kỷ 20”, “Khám phá bí mật của Cách mạng Tháng Mười”…

Có thể thấy, sau một thế kỷ, những sự kiện của năm 1917 mà vĩ đại nhất là cuộc cách mạng Tháng Mười đưa nước Nga và thế giới bước sang một kỷ nguyên mới được người Nga nhìn nhận từ nhiều góc độ. Người Nga đương thời có dịp sống lại với những trang sử của dân tộc qua những nguồn tư liệu, tài liệu vô cùng phong phú. Và mỗi người có thể rút ra bài học cho riêng mình.

Nhưng nhìn lại lịch sử để hướng về tương lai. Tương lai nước Nga, một nước Nga phát triển vững mạnh, có vị thế xứng đáng trên thế giới, đòi hỏi người Nga tăng cường hòa hợp, đoàn kết thống nhất. Chính đó là điều mong mỏi của lãnh đạo Liên bang Nga và các lực lượng lành mạnh trong xã hội Nga vào dịp kỷ niệm 100 năm cách mạng năm 1917./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết