Tiếng Việt | English

12/07/2022 - 10:05

Cần Giuộc: Dịch sốt xuất huyết tăng cao

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát nhanh. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện tích cực triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, khống chế không để dịch bệnh lan rộng trên địa bàn, bảo đảm sức khỏe người dân.

Hiện tại, dịch sốt xuất huyết tại huyện Cần Giuộc tăng cao và diễn biến phức tạp

Hiện tại, dịch sốt xuất huyết tại huyện Cần Giuộc tăng cao và diễn biến phức tạp

Theo TTYT huyện, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân, TTYT huyện còn tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại các xã, thị trấn; đồng thời, phát động các đợt ra quân vệ sinh môi trường tại khu vực tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Ngoài ra, TTYT huyện còn theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch, khuyến cáo người dân đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu của bệnh SXH để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Trước tình hình dịch SXH xảy ra trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Tứ (xã Long An) chia sẻ: “Cách tốt nhất để phòng SXH là thường xuyên cọ rửa thau, chậu, lu đựng nước, đổ bỏ những vật dụng chứa nước không dùng đến. Ngoài ra, nhà có con nhỏ thì trẻ em có ngủ ban ngày cũng nên cho ngủ mùng để phòng, chống bệnh SXH”.

Tính đến đầu tháng 7/2022, trên địa bàn huyện ghi nhận 332 ca và 45 ổ dịch bệnh SXH, tăng 168 ca, 16 ổ dịch so cùng kỳ năm 2021. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích - Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc, cho biết: Hiện tại, số ca bệnh SXH trên địa bàn huyện tăng so cùng kỳ năm trước, trong đó có một số ca bệnh diễn biến nặng phải chuyển tuyến trên. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, người dân nên phòng tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng,... 

Cần Giuộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Cần Giuộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Khi người dân có các biểu hiện sốt cao liên tục từ 3-7 ngày, có cảm giác người lừ đừ, ăn uống kém, phát ban, nôn nói, đau mỏi các khớp,... nên đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

Hiện nay là cao điểm mùa dịch SXH. Đây là dịch chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh. Đó là thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết