Tiếng Việt | English

29/08/2021 - 19:39

Chia rẽ và tranh giành quyền lực trong nội bộ ban lãnh đạo Taliban ở Afghanistan

Tổ chức Taliban đã chiếm được chính quyền ở hầu khắp Afghanistan. Tuy nhiên đang xuất hiện nhiều phe phái tranh giành quyền lực với nhau trong nội bộ lực lượng Hồi giáo này. Sự chia rẽ bên trong Taliban khiến người ta lo ngại về nguy cơ bất ổn và bạo lực tại quốc gia Nam Á này.

Giành được chính quyền thì lại nảy sinh chia rẽ sâu sắc

Nhiều nguồn tin khác nhau trên thực địa và các cựu quan chức tình báo, quân đội cho hay, sự chia rẽ giữa các phe phái Taliban khác nhau đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong quãng thời gian gần ngày chính thức chuyển giao quyền lực sau khi quân Mỹ rời khỏi Afghanistan.


Các chiến binh Taliban (cầm súng) tại một nhà thờ Hồi giáo ở Kabul, Afghanistan, vào tháng 8/2021. Ảnh: AFP.

Theo các nguồn tin trên, các phe phái khác nhau trong nội bộ Taliban thể hiện lòng trung thành với các thủ lĩnh khác nhau và các nước khác nhau.

Một nguồn tin từng làm trong chính phủ Afghanistan trước đây và vẫn ở Kabul cho biết: "Tình hình trên thực địa đang xấu đi. Taliban đang ngày càng chia rẽ, và các phe phái khác nhau đã và đang tổ chức những cuộc họp riêng của mình. Rõ ràng Taliban đang thiếu sự thống nhất về chỉ huy và điều này khiến chúng tôi càng e sợ về bạo lực".

Rất nhiều phái bên trong Taliban được cho là có các ý tưởng khác nhau về cách ứng phó với các "thách thức đang nổi lên", bao gồm cách đối đầu với mối đe dọa ngày càng tăng từ tổ chức khủng bố IS và phong trào kháng chiến của Ahmad Massoud ở tỉnh Panjshir, nơi vẫn chưa rơi vào tay Taliban.

Nguồn tin trên tiếp tục nhận xét về phong trào nổi dậy Taliban: "Họ có những tranh chấp lớn về quyền lực, các dân tộc và bộ lạc khác nhau đều muốn nắm giữ quyền lực. Người ở tỉnh Helmand thì đang vận động mạnh với tuyên bố mình hứng chịu nhiều hy sinh nhất trước các cuộc không kích bằng UAV của Mỹ trong các năm qua".

Mạng lưới ngầm Haqqani và các vụ bắn nhau trong nội bộ Taliban

Nhiều nguồn tin cho biết thêm, Taliban là bình phong cho việc tiếp quản quyền lực ở Afghanistan nhưng chính mạng lưới ngầm Haqqani - lực lượng phụ trách an ninh tại Kabul, mới thực sự đang đóng vai trò nổi bật về cả chính trị và quân sự từ sau hậu trường đối với tất cả các vấn đề liên quan đến Afghanistan.

Nhóm Haqqani - từng bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố vào năm 2012 khi tổ chức này thực hiện tấn công và bắt quân nhân và dân thường phương Tây, được cho là vẫn đang hài lòng với việc ẩn dật, tuy nhiên lại nắm được nhiều quyền lực ngầm ở Afghanistan.

Bản thân Taliban không còn bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố nước ngoài nữa, nhưng nhóm Haqqani thì lại duy trì quan hệ gần gũi với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Một nguồn tin tình báo Afghanistan chỉ ra rằng các phần tử trung thành với Haqqani được trang bị vũ khí Mỹ đã tiến vào sân bay quốc tế Kabul để chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực. Một nguồn tin tình báo khác ở Mỹ cũng nhấn mạnh rằng đã có vài vụ bắn nhau giữa các phe phái Taliban gần sân bay Kabul vào tối 27/8.

Các phe phái trong Taliban rất đa dạng, người bị kẹt lại ở Afghanistan lo ngại

Ngoài sự hục hặc về ai nắm quyền giữa Taliban và Haqqani, còn có các chia rẽ bên trọng mỗi nhóm này.

Một nguồn tin ở Kabul cho biết: "Những người xuất thân từ tỉnh Helmand và thành phố Kandahar đang thách thức cả 2 nhóm trên. Taliban tìm cách xoa dịu người của các nhóm đó bằng cách bổ nhiệm nhiều người trong số họ vào các vị trí tốt".

Taliban về mặt lịch sử là phát triển từ một nhánh phong trào thánh chiến Mujahideen tại Afghanistan. Họ không lạ gì chuyện đấu đá nội bộ bắt đầu cách đây hơn một năm.

Vào tháng 6/2020, một đội theo dõi của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng ít nhất một thủ lĩnh cấp cao của Taliban đã ly khai để tạo ra "một nhóm mới chống lại bất cứ thỏa thuận hòa bình nào". Thủ lĩnh này lôi kéo theo mình các phần tử Taliban không muốn tuân thủ các điều khoản của Mỹ cho một thỏa thuận hòa bình giữa đôi bên.

Như vậy bên trong Taliban có nhóm sẵn sàng tuân thủ cam kết hòa bình tại Doha và những người không chấp nhận cam kết này. Ngoài ra, còn có sự phân chia nhóm theo mức độ trung thành với các nước khác nhau bên ngoài Afghanistan như Iran, Pakistan, Saudi Arabia, Qatar, Syria, và hơn thế.

Tình hình còn phức tạp hơn khi có phe cực bảo thủ muốn áp dụng nghiêm ngặt luật Hồi giáo Sharia như cách đây 2 thập kỷ ở Afghanistan, và những người muốn bớt hà khắc hơn trong cách diễn giải và thực hành luật Sharia.

Sự rạn nứt trong nội bộ Taliban như trên khiến những ai muốn di tản khỏi Afghanistan nhưng vẫn bị kẹt lại càng lo lắng thêm cho mạng sống của chính mình. Nhiều người cảm nhận rằng các lời hứa ân xá dù được thực sự ban ra bởi lãnh đạo cấp cao của Taliban nhưng chưa chắc đã được các nhóm Taliban khác nhau ở cấp cơ sở tuân thủ.

Một cựu nhân viên người Afghanistan từng làm việc trong Phủ Tổng thống nước này trước đây nói thầm trong sợ hãi: "Taliban đã xâm nhập nhà đồng nghiệp của tôi để lục soát và thẩm vấn. Vấn đề chỉ còn là thời gian thôi"./.

Trung Hiếu/VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết