Tiếng Việt | English

26/06/2023 - 10:52

Chuyện những công nhân vệ sinh

Để các tuyến đường, ngõ hẻm luôn sạch sẽ thì những công nhân (CN) vệ sinh phải làm việc bất kể ngày đêm. Công việc của họ âm thầm, lặng lẽ nhưng chẳng kém phần vất vả, khó khăn mà không phải ai cũng hiểu.

1.

Đưa bàn tay với vết sẹo vừa lành ra, anh Đào An Tiên (phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) kể: “Làm nghề này bị thương là chuyện thường tình. Mảnh vỡ thủy tinh nếu người ta để túi riêng, cột kỹ và mình nhìn thấy thì đỡ, còn không khi nắm phải là bị thương, chảy máu”. Anh làm CN vệ sinh đến nay được 6 năm, chuyên thu gom rác thải trong các con hẻm nhỏ của TP.Tân An.

Anh Đào An Tiên làm công việc thu gom rác sinh hoạt trong các con hẻm nhỏ. Theo anh, nếu rác được cột chặt, gọn gàng thì công việc của người thu gom sẽ đỡ vất vả hơn

Mỗi ngày, trên chiếc xe máy nhỏ, kéo theo thùng rác lớn, anh đi khắp các ngõ hẻm, thu gom rác người dân đặt trước cửa nhà đem về điểm tập kết chờ xe đến lấy. Nếu chỉ là rác sinh hoạt thường ngày được bỏ vào các bịch gọn gàng thì công việc của anh sẽ đỡ phần vất vả. Anh Tiên bộc bạch: “Nhiều người bỏ cả tấm nệm hoặc tấm thủy tinh vỡ lớn, nặng và nguy hiểm quá thì thôi, chứ bình thường tôi vẫn cố gom hết. Rác sinh hoạt nếu được cột chặt thì đỡ lắm, chỉ cần cầm để lên xe, nhanh và gọn. Nhiều nơi rác bị bỏ bừa bãi, bịch chỉ cột hờ, xách lên thì rơi vãi ra khắp nơi”. Không ít lần rác thải rất lớn và nặng, một mình anh xoay xở, đôi lúc bị trẹo lưng vì quá sức.

Anh Tiên bắt đầu công việc lúc 6 giờ, len lỏi khắp các ngõ hẻm lớn nhỏ, đến hơn 13 giờ thì hoàn thành nhiệm vụ. Bữa sáng hay trưa của anh rất gọn nhẹ vì phải dành thời gian làm việc. “Xe thu gom rác vào giờ cố định trong ngày nên tôi phải cố gắng dọn xong rác trong hẻm trước khi xe đến để không bị sót hay tồn đọng đến hôm sau. Làm nghề này hầu như không có ngày lễ hay tết. Vì đây là dịp các gia đình quây quần bên nhau, tổ chức tiệc tùng, ăn uống nên rác thải sinh hoạt cũng tăng lên, CN vệ sinh càng vất vả hơn” - anh Tiên trải lòng.

Vào dịp Tết Nguyên đán, khi người người, nhà nhà sum vầy thì anh Tiên và các đồng nghiệp vẫn miệt mài dọn rác trên từng con đường, ngõ hẻm để giữ cho thành phố luôn sạch, đẹp. 30 tết là thời điểm mọi người kết thúc mọi điều tồn đọng của năm cũ, chuẩn bị bước vào năm mới với niềm hạnh phúc, vậy mà đây là lúc công việc của những CN vệ sinh nhiều, vất vả hơn. “Thường thì 30 tết chúng tôi phải làm việc đến khuya, có năm làm đến gần sáng luôn vì không được để tồn rác trong ngày mùng 1 tết. Ai mà không mong muốn được quây quần bên gia đình khi tết đến nhưng công việc của mình khá đặc thù thì phải cố gắng. Nhờ được gia đình thông cảm, chia sẻ nên tôi có thể yên tâm với công việc của mình” - anh Tiên chia sẻ.

2.

Để những tuyến đường luôn sạch sẽ, không có lá cây hay rác thải, CN vệ sinh phải thay phiên nhau quét suốt ngày đêm. Dưới cái nắng đổ lửa của mùa hè, ai cũng muốn được trú mình trong căn phòng có máy điều hòa. Tuy nhiên, với những công nhân làm công việc quét đường thì đó là điều xa xỉ. Vừa đẩy xe rác lớn bước chầm chậm trên phố, anh Hồ Xuân Hiệu vừa cẩn thận quét sạch rác và lá cây trên lề đường. Bình nước nhỏ và chiếc nón tai bèo là bạn đồng hành “chống nóng” của anh trong suốt hành trình. Mỗi ngày, anh miệt mài trên các tuyến đường dù mưa gió hay nắng rát.

Anh Hiệu chia sẻ: “Nắng nóng như vầy đúng là rất mệt nhưng vẫn đỡ hơn những ngày mưa. Lúc ấy, rác và lá cây thường bám chặt xuống mặt đường, rác cũng nặng hơn, đẩy rất vất vả. Những ngày đó, chúng tôi thường về muộn hơn vì tốc độ công việc khá chậm”. Ngoài đội quét đường vào ban ngày như anh Hiệu, còn có đội quét đường vào ban đêm. Họ bắt đầu công việc lúc 1 giờ và về nghỉ ngơi khi mặt trời vừa rạng.

Dù nắng hay mưa, những công nhân vệ sinh như anh Hồ Xuân Hiệu vẫn luôn miệt mài với công việc của mình

Sau 10 năm làm công việc quét đường, ông Mai Thanh Bình (phường 4, TP.Tân An) bắt đầu cảm nhận sự xuất hiện của những cơn đau khớp gối. Đó là căn bệnh nghề nghiệp CN vệ sinh thường gặp khi phải đi bộ nhiều trên đường. Mỗi ngày, ông Bình đi bộ khoảng 10km, quét sạch rác 2 bên lề của những tuyến đường được giao phụ trách ở khu vực phường 6, TP.Tân An. “Xe thu gom rác thì ngày nào cũng chạy nên mình đâu thể vì nắng, mưa mà bỏ ngang hay ngưng trệ công việc được. Muốn nghỉ phép cũng cần xin trước để đồng nghiệp có thể chủ động hỗ trợ mình” - ông Bình tâm sự.

Ông Bình kể, ngày nào ít rác thì ông đỡ phần vất vả. Có hôm rác nhiều, xe rác đầy, nặng trịch, ông phải oằn lưng đẩy đến điểm tập kết. Sau khi xong công việc về nhà, ông chỉ muốn nằm nghỉ để có sức tiếp tục vào hôm sau. Hơn 10 năm trong nghề, ông hiểu rõ những vất vả khi làm việc dưới nắng, mưa, khói bụi và nguy hiểm tiềm ẩn từ phương tiện giao thông trên đường. Thế nhưng, khi đã chọn gắn bó với nghề, ông tự động viên mình luôn nỗ lực. Ông Bình nói: “Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, các đồng nghiệp của tôi có người phải vào trong khu cách ly lấy rác. Rác thải từ bệnh viện họ cũng phải vào lấy. Bây giờ, tôi còn sức khỏe thì cứ tiếp tục”.

Mỗi ngày, ông Mai Thanh Bình phải đi bộ khoảng 10km, quét rác dọc 2 bên đường

Bất kể là ngày hay đêm, khi mưa gió hay giữa trưa hè nắng gắt, giữa khói bụi của đường phố, những CN vệ sinh vẫn lặng lẽ với công việc của mình. Họ âm thầm vệ sinh từng con đường, ngõ hẻm để thành phố luôn sạch, đẹp. Công việc của những CN vệ sinh tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất nhọc nhằn. Rác thải là môi trường phát sinh nhiều mầm bệnh, việc tiếp xúc với rác mỗi ngày luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc gặp tai nạn nghề nghiệp, mắc bệnh nghề nghiệp dường như trở thành điều bình thường đối với họ.

Bằng trách nhiệm và ý thức cộng đồng, các CN vệ sinh vẫn gắn bó, cần mẫn với công việc của mình. Họ tìm thấy niềm vui trong công việc, bởi đó vừa là để mưu sinh, vừa là hành động thiết thực giúp môi trường thành phố sạch, đẹp hơn. Nếu mỗi người dân nâng cao ý thức, bỏ rác đúng nơi quy định, tập kết rác đúng chỗ, gọn gàng thì công việc của những CN vệ sinh sẽ vơi phần vất vả. Biết đâu, nhờ vậy, những ngày lễ, tết hàng năm, họ được về sớm hơn vài giờ để kịp đón thời khắc giao thừa cùng gia đình!./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết