Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh nhằm nâng cao tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh và chuồng trại hợp vệ sinh
Tạo chuyển biến tích cực
Vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường có tác động rất lớn đến cuộc sống con người. Mỗi năm, có hàng trăm triệu người mắc bệnh hô hấp và bệnh liên quan ô nhiễm không khí. Tại Long An, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai, thực hiện Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, VSMT, sử dụng nước sạch nông thôn. Từ năm 2020-2022, Chương trình nước sạch và VSMT được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã phân bổ 1,7 tỉ đồng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh nhằm nâng cao tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh và chuồng trại hợp vệ sinh.
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề nước sạch, VSMT, Trường Tiểu học & THCS Vĩnh Trị (huyện Vĩnh Hưng) luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, nhất là vấn đề nước sạch, VSMT trong trường học. Hàng năm, nhà trường chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung về sử dụng nước sạch, giữ gìn VSMT và xây dựng các công trình vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Trường phối hợp Trạm Y tế xã tổ chức khám sức khỏe sàng lọc đầu năm cho học sinh; đồng thời, lồng ghép tư vấn, tuyên truyền phòng, chống một số bệnh tật học đường, đặc biệt là cách phòng một số vi khuẩn gây bệnh lây qua nguồn nước và trú ngụ trong môi trường xung quanh,...
Đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 99,6% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước sạch để phòng bệnh
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch tại các cơ sở cung cấp nước trên địa bàn tỉnh được chú trọng thực hiện. Theo Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các sở, ngành cùng sự tham mưu của ngành Y tế, việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ dân sử dụng các công trình hợp vệ sinh ngày một cải thiện và nâng lên rõ rệt. Đến tháng 6-2022, toàn tỉnh có 99,6% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 94,62% hộ gia đình sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh; 81,86% hộ gia đình sử dụng chuồng trại hợp vệ sinh. Tỷ lệ xử lý rác hộ gia đình hợp vệ sinh đạt 88,89%.
Nâng cao ý thức của người dân
Giai đoạn năm 2020 đến tháng 6-2022, lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Nhiều công trình cấp nước nông thôn được đầu tư xây mới có quy mô lớn, liên xã, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch của người dân, từng bước xóa dần các công trình cấp nước quy mô nhỏ, chất lượng nước chưa đạt quy chuẩn theo quy định.
Qua thực hiện chương trình nước sạch, đến nay, sự hiểu biết và ý thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch được nâng lên. Bà Nguyễn Thị Lẹ (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi thường nghe tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe con người trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì thế, tôi rất quan tâm đến việc xử lý nước, bảo đảm nguồn nước sạch tại gia đình để phục vụ sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tắm, giặt, vệ sinh,... Bên cạnh đó, tôi không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng túi nylon, trồng thêm cây xanh xung quanh nhà để được hít thở không khí trong lành, thực hiện phân loại rác tại nguồn theo hướng dẫn,... Tôi hy vọng mỗi người dân nâng cao ý thức về vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường và cùng chung tay thực hiện bằng những hành động thiết thực nhất”.
Mỗi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cùng chung tay thực hiện bằng những hành động thiết thực
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đã đạt, quá trình triển khai, thực hiện Đề án còn gặp những khó khăn. Đó là tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tuy cao nhưng chưa bền vững, chỉ mới đánh giá được khả năng tiếp cận, chưa có đánh giá về mức độ sử dụng; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh ngày càng tăng nhưng còn một số ít địa phương có tỷ lệ thấp, dưới 80%. Thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe một cách sâu, rộng trong cộng đồng bằng nhiều hình thức, phù hợp từng địa phương, từng đối tượng. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch nhằm bảo đảm chất lượng cung cấp nước an toàn cho cộng đồng và nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch.
Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước sạch để phòng bệnh
Việc bảo đảm nguồn nước sạch và VSMT là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe của con người. Vì vậy, công tác truyền thông nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, VSMT và sử dụng nước sạch luôn được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, góp phần cải thiện sức khỏe cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân./.
H.Hương