Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đưa vào sử dụng đã giúp những nút thắt hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long từng bước được tháo gỡ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Chuyện đi lại của người dân trong dịp lễ Tết bớt nhọc nhằn vì kẹt xe.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, xe cộ từ các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ vẫn tấp nập qua lại cầu Mỹ Thuận, Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hướng về miền Tây.
Những năm trước, vào những ngày này, tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra ở nút giao An Thái Trung và cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang). Năm nay đường sá đã rất thông thoáng, không còn cảnh xe cộ chôn chân, nhích từng bước ở những điểm nóng này.
"Có cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dân miền Tây vui mừng lắm. Tết này không còn cảnh quá tải, xe cộ xếp hàng dài qua cầu Mỹ Thuận những ngày giáp Tết" - ông Nguyễn Văn Đậm, chủ chành xe ở TP Cần Thơ, mừng rỡ.
Tương tự, ông Phạm Tuấn Hiền - giám đốc Công ty Tuấn Hiền (Vĩnh Long) - cũng hồ hởi mừng vì Tết năm nay có cao tốc, cầu mới, xe cộ công ty ông chạy vèo vèo mà không lo chậm trễ hàng hóa. "Mấy ngày gần đây tôi đi công tác TP.HCM, miền Đông Nam Bộ liên tục. Nhờ có cao tốc, lên xe nhấn ga một hồi, chưa đầy 2 tiếng là tới TP.HCM. Xong việc buổi chiều lại quay đầu chạy xe về nhà, rất thoải mái và thuận tiện", ông Hiền nói.
Sáng 26 Tết tại đoạn cuối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nút giao Chà Và cũng rất thông thoáng. Bà con miền Tây được một cái Tết thoải mái về quê mà không còn chật vật len lỏi qua những dòng xe cộ đông đúc như trước.
Đang chở vợ con trên xe máy về quê Kiên Giang, ông Bùi Tuấn Vũ nói: "Trước đây cứ mỗi dịp lễ Tết, khắp các tuyến đường nối từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây lại hầm hập kẹt cầu, kẹt đường. Cầu Mỹ Thuận quá tải nên thường ùn tắc, xe tải lớn nối đuôi nhau lên cầu, rất nguy hiểm. Tết này bà con miền Tây đi tha hương lập nghiệp về quê cũng bớt nhọc hơn, gần hơn trước".
Để phục vụ bà con đi lại dịp Tết, các công nhân và kỹ sư cầu đường đã phải nỗ lực làm việc bất kể ngày đêm. Anh Phạm Văn Tuẫn - kỹ sư nhà thầu Trung Nam - cho hay để công trình hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2024, phục vụ nhu cầu đi lại của bà con, các công nhân, kỹ sư phải thay ca làm việc liên tục không ngừng nghỉ. "Thấy bà con đi lại thuận tiện là niềm vui của những người làm cầu đường như chúng tôi" - anh Tuẫn cho biết.
Hai công trình giao thông trọng điểm nói trên hoàn thành đã giúp người dân "đi một lèo" bằng đường cao tốc từ TP.HCM về đến cuối địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giáp TP Cần Thơ. Những nút giao thông khác tại Tiền Giang như Thân Cửu Nghĩa, ngã tư Đồng Tâm, ngã tư Lương Phú cũng giảm hẳn tình trạng kẹt xe. Ghi nhận cùng ngày, những nút giao thông này dù lượng xe có tăng đáng kể nhưng không xảy ra ùn ứ.
"Nhờ tuyến cao tốc được nối dài, xe lớn họ đi cao tốc hết nên quốc lộ 1 thưa vắng xe. Người dân chạy xe máy về quê như chúng tôi cũng đỡ vất vả vì kẹt xe", anh Nguyễn Xuân Tình (42 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) nói.
Anh Tình cho biết trước đây cứ mỗi dịp gần Tết anh lại chở vợ con về quê bằng xe máy. Năm nào anh cũng ám ảnh cảnh kẹt xe tại các điểm nóng trên quốc lộ 1 như cầu Bến Lức, ngã ba Trung Lương, ngã ba Đồng Tâm. Nhưng bây giờ việc đi lại cũng nhẹ nhàng hơn, không còn cảnh xe lớn chen lấn chiếm làn đường xe máy gây nguy hiểm trên quốc lộ 1 như trước./.
Cao tốc "chia lửa" với quốc lộ
Theo thống kê, lượng xe từ hướng TP.HCM về các tỉnh miền Tây trong mấy ngày qua khoảng 70.000 lượt/ngày. Khi đến Tiền Giang, có khoảng 25.000 xe rẽ về hướng quốc lộ 60, qua cầu Rạch Miễu. Số còn lại đi tiếp về hướng Cần Thơ theo quốc lộ 1 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Lãnh đạo trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1 (tỉnh Tiền Giang) xác nhận mỗi ngày có khoảng 19.000 lượt xe qua ngả này, phần lớn lượng xe về các tỉnh nam sông Tiền được "gánh" bởi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
|
Theo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/co-them-cau-my-thuan-2-va-cao-toc-my-thuan-can-tho-duong-ve-mien-tay-bot-ket-xe-2024020607520132.htm