Tiếng Việt | English

23/04/2025 - 13:00

Công nghệ 'mở khóa' kho tàng tri thức

Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển, văn hóa đọc có nhiều thay đổi. Thay vì chỉ đọc sách, báo in theo cách truyền thống, độc giả có thêm nhiều lựa chọn như sách điện tử (e-book), sách nói (audiobook) hay các nền tảng đọc trực tuyến.

Đặng Thị Ngọc Duyên (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chia sẻ: “Là một người trẻ, tôi yêu thích đọc sách, báo trên Internet, đặc biệt có thói quen nghe sách nói trên nền tảng Spotify, YouTube vì vừa làm, vừa nghe nên rất tiện”.

Nhiều bạn trẻ thích đọc sách trên Internet

Hòa cùng sự phát triển của công nghệ số, thư viện số được các cấp trường học quan tâm triển khai, thực hiện. Trường THCS Thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ), đầu tư 9 máy vi tính để phục vụ 655 học sinh trong 20 phút ra chơi. Hiện tại, tất cả học sinh đều có tài khoản đăng nhập vào phần mềm thư viện số của trường.

“Em thường đọc sách, báo tại thư viện. Ngoài ra, em còn truy cập vào hệ thống thư viện số của trường. Hệ thống đó giúp em có thể đọc sách điện tử, sách nói, đặc biệt là sách video mở ra những bài học video trực tuyến hỗ trợ em học môn Toán” - Nguyễn Lâm Gia Phúc (lớp 6/3, Trường THCS Thị trấn Đông Thành) chia sẻ.

“Các em thường đến thư viện để truy cập thư viện số, tuy nhiên, trường cũng vừa mới triển khai phần mềm số BieBib nên việc phổ biến còn hạn chế. Hiện tại, mỗi trường sử dụng một phần mềm khác nhau nên tạo khoảng cách về tiếp cận sách trong học sinh. Thời gian tới, để phát triển thư viện số, tôi nghĩ cần có một phần mềm chung để đồng bộ hóa giữa các trường, tránh trường hợp trường có, trường không” - chị Lại Thị Thanh Thúy - nhân viên thư viện, Trường THCS Thị trấn Đông Thành, cho biết.

Ngoài ra, các mô hình thư viện số, chương trình khuyến khích đọc trực tuyến và những chiến dịch lan tỏa văn hóa đọc trên các nền tảng mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. Việc tổ chức các sự kiện như ngày sách online, tọa đàm về lợi ích của việc đọc sách trên nền tảng số có thể giúp thu hút sự quan tâm của độc giả trẻ.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống, quê hương, đất nước cùng hành trình xe tri thức tại một số trường học; chỉ đạo Thư viện tỉnh tăng cường số hóa tài liệu, biên mục tài liệu số trên phần mềm quản lý thư viện,... nhằm phát triển văn hóa đọc. Điều quan trọng là chúng ta cần khai thác hiệu quả sức mạnh của công nghệ, chọn lọc nội dung phù hợp, góp phần lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách./.

Bích Ngân

Chia sẻ bài viết