Tiếng Việt | English

20/08/2020 - 17:30

Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online

Để phát triển xu hướng tiêu dùng online, thanh toán không dùng tiền mặt thì cần phải đẩy mạnh phát triển việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Ngày 20/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online".


Diễn đàn: “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online".

Trong vòng 5 năm trở lại đây, tại Việt Nam, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.

Việt Nam vẫn là quốc gia phát triển sau về chuỗi cửa hàng tiện lợi nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% khách hàng đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiêu nhất là thời trang, đồ điện tử, mỹ phẩm. Khảo sát mua sắm trực tuyến năm 2019 cho thấy, mua sắm quần áo 24%; mua hàng cá nhân 21%; mua hàng điện tử 18%; mua vé máy bay, xem phim 17%; mua nội dung online là 19% ...

Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, bà Đặng Thúy Hà cho rằng vẫn còn nhiều lo ngại của người khi sử dụng hình thức này.

“Dịch Covid-19 vừa rồi, qua khảo sát, hơn 60% người tiêu dùng cho biết, vẫn tiếp tục mua sắm online. Điều đó thể hiện rằng, họ vẫn nhìn nhận được những thế mạnh, lợi ích khi mua sắm online. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại từ phía người tiêu dùng, đó là những gì mà được xem, đã trả tiền ấy thì có được nhận đúng hàng hóa như vậy hay không. Có một lo ngại nữa là trả tiền trực tuyến thì liệu có bị hack hay không, hoặc là chất lượng sản phẩm thì nó có đảm bảo hay không…”, bà Đặng Thúy Hà chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, để phát triển được mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng online, thanh toán không dùng tiền mặt thì cần phải đẩy mạnh phát triển việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Đồng thời, cần có một quy trình quản lý chất lượng đảm bảo, giữ được chữ tín đối với người tiêu dùng…

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số- Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay: “Chúng ta phải có giải pháp cùng các doanh nghiệp hạ tầng, các nhà mạng viễn thông, các công ty hợp pháp để thúc đẩy thị trường tiêu dùng online. Cùng với đó, thông qua những hình thức hỗ trợ về chuyển phát về phí, chuyển phát về các hoạt động truyền thông, quảng bá, phát triển những giải pháp liên quan thông tin giao dịch, xác thực các đối tượng tham gia vào quá trình giao dịch, xử lý tranh chấp, khiếu nại, hiệu quả cao được chất lượng dịch vụ giao hàng. Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng một định hướng về “Phát triển của nền tảng tín nhiệm” tại Việt Nam đối với thương mại, trong đó sẽ đánh giá các chủ thể kinh doanh, thậm chí là các cá nhân để công bố rộng rãi để người tiêu dùng có thể nắm bắt”./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích