Cồn methanol được điều chế từ gỗ nên hay gọi là "cồn gỗ" được dùng trong phòng thí nghiệm, nó chính là cồn công nghiệp nên tuyệt đối không được uống vì rất độc, chỉ một lượng nhỏ sẽ gây mù mắt, nhiều hơn có thể tử vong. Methanol được sử dụng trong ngành công nghiệp làm dung môi hòa tan các nguyên liệu sản xuất, trong phòng thí nghiệm để chạy sắc ký lỏng. Ngoài ra, nó còn có vai trò quan trọng trong các ngành in ấn, sơn, chất chống đông lạnh, làm nhiên liệu cung cấp nhiên liệu đông cơ đốt,…

Về phương diện bào chế, methanol và ethanol đều có mùi vị đặc trưng giống nhau, được sản xuất bằng cách lên men và chưng cất. Methanol là cồn công nghiệp không được uống, điều chế bằng cách lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Trong khi đó, rượu uống ethanol được lên men từ tinh bột (như ngũ cốc và các loại củ có chứa tinh bột hoặc đường). Các phương pháp điều chế rượu uống sai gây nên hàm lượng methanol cao dẫn tới ngộ độc như:
- Dùng nguyên liệu có lẫn bã dạng gỗ. Rượu ethanol được chưng cất từ gạo hoặc đường mía thì không gây độc, nhưng nếu chưng cất rượu từ bã mía có cellulose, trong quá trình lên men chưng cất bã phân hủy sẽ tạo ra methanol gây độc.
- Sản xuất rượu từ cồn kém chất lượng, giá rẻ, có hàm lượng methanol, aldehyde, aceton cao vượt tiêu chuẩn cho phép sẽ ảnh hưởng sức khỏe người dùng.
- Cho cồn khô có chứa methanol vào khi chưng cất sẽ làm rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn nhưng chất độc methanol sẽ gây ra những vụ ngộ độc rượu nặng dẫn đến tử vong.
- Ở giai đoạn đầu tiên của quá trình chưng cất, nguyên tắc là phải bỏ đi tạp chất như methanol, aldehyde, aceton. Nếu lẫn tạp chất vào rượu uống sẽ nguy hại cho người sử dụng.
Về dược động học – dược lực học, methanol dễ dàng hấp thu qua da vào phổi và ruột. Khi vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 đến 60 phút, methanol tan trong nước, thể tích phân bố khoảng 0,6 đến 0,7l/kg, không gắn với protein huyết tương, thời gian bán thải trung bình là 14-30 giờ. Methanol đưa vào cơ thể được chuyển hóa chậm ở gan khoảng 97%, đào thải qua phổi khoảng 2%, thải trừ nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu khoảng 1%.
Trong cơ thể, methanol bị oxy hóa thành formaldehyde, sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic. Acid formic tích tụ trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc gây tổn thương võng mạc và dây thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa. Bình thường ở ngưỡng 20mg/dL đã đe doạ tổn thương thần kinh. Acid formic còn gây tổn thương nội tạng và não bộ, nguy hiểm nhất là dẫn đến tử vong. Các triệu chứng nhiễm độc đối với người uống rượu có chứa methanol lúc đầu chưa biểu hiện rõ ràng, cho đến khi methanol bị chuyển hóa thành acid formic đã tích lũy tới mức gây độc. Liều methanol độc hại khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.

Về phương diện lâm sàng, biểu hiện của bệnh nhân khi nhiễm độc methanol trong vài giờ đầu là buồn ngủ, không ổn định và mất phương hướng, sau đó là đau đầu, nôn mửa, đau bụng và chóng mặt, có thể thở nhanh và khó thở, tầm nhìn bị ảnh hưởng, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mù lòa, hôn mê, co giật và tử vong.
Ngưỡng ngộ độc rượu methanol và phác đồ điều trị:
Dưới 20mg/dL: Ngộ độc methanol cần theo dõi và điều trị triệu chứng, cân nhắc dùng thuốc giải độc.
Trên 20mg/dL: Ngộ độc methanol cần dùng thuốc giải độc như Fomepizole.
Trên 50mg/dL: Ngộ độc methanol mức độ nặng, cần phối hợp thêm lọc máu.
Trong Đông y, rượu là một vị thuốc có vị cay nóng, hơi đắng, ngọt, tính ôn, đi vào 12 kinh lạc có tác dụng điều hòa khí huyết, thông kinh lạc, dẫn thuốc đi vào một số tạng phủ để chữa bệnh như người khí huyết không lưu thông, đau nhức mình mẩy, rượu còn dùng ngoài để xoa bóp, tiêu sưng, giảm đau,... Vì rượu là thuốc nên nhất thiết phải dùng đúng liều lượng, quá liều sẽ gây nguy hiểm.
Theo y học cổ truyền, rượu tốt cho tuổi trung niên và người cao tuổi, còn ở tuổi thành niên, dương khí còn vượng nếu uống rượu sớm sẽ làm tản dương khí tổn thương thận khí. Rượu có thể ngâm với động vật hoặc thực vật gọi là rượu thuốc hay rượu trái cây. Chọn rượu để ngâm là rượu ethanol C2H5OH uống được nồng độ từ 37- 45 độ là tốt nhất. Thành phẩm rượu trái cây thông thường khoảng 30- 35 độ, thời gian ngâm khoảng 6 tháng và nên đựng trong chai thủy tinh để giúp bảo quản tốt và tránh gây phản ứng hóa học. Trái cây sẽ bổ sung cho rượu các chất chống oxy hóa như bioflavonoid, carotenoid, vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Rượu trái cây giúp tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, làm lưu thông khí huyết nhưng chỉ nên dùng ở liều lượng khoảng 50ml đến 70ml mỗi ngày vào các bữa ăn. Chống chỉ định trên phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Về phương diện quản lý, các cơ sở kinh doanh, sản xuất rượu, ngoài hồ sơ công bố cần xây dựng quy trình thao tác chuẩn được quản lý cơ sở phê duyệt và giám sát nhân viên tuân thủ. Trong quy trình phải ghi rõ phương pháp sản xuất từng công đoạn chế biến ra thành phẩm và dán nhãn đúng quy chế. Trên nhãn thành phẩm rượu trái cây phải ghi rõ hạn dùng, cách uống và liều lượng. Bảo quản rượu ở nhiệt độ 10 -13 độ là tốt nhất.
Ở góc độ người tiêu dùng nên chọn mua rượu ở nơi được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Đọc kỹ thông tin hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thành phẩm, nên bảo quản đúng nhiệt độ và sử dụng đúng liều lượng cho phép. Khi có triệu chứng ngộ độc cần đưa đi cấp cứu nhanh nhất để kịp thời gian giải độc./.
Tài liệu tham khảo:
- "Methanol". The PubChemProject. USA: National Center for Biotechnology Information
- Barceloux DG, Bond GR, Krenzelok EP, Cooper H, Vale JA, Ủy ban đặc biệt của Viện độc chất lâm sàng Hoa Kỳ về hướng dẫn điều trị ngộ độc methanol P.
- Hướng dẫn thực hành của Viện độc chất lâm sàng Hoa Kỳ về điều trị ngộ độc methanol. J Toxicol Clin Toxicol. 2002;40:415-446.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS Đỗ Tất Lợi
|
DSCKII Lý Thị Nhất Định