Tiếng Việt | English

02/11/2023 - 09:44

Những điều cần biết về ngộ độc rượu

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu (NĐR) liên quan đến việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có hàm lượng Methanol cao, trong đó đã có ca tử vong. Việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần, thậm chí là tính mạng của những người sử dụng.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia được chú trọng

Triệu chứng cảnh báo ngộ độc rượu

NĐR có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu, bia trong thời gian ngắn, uống nhanh và uống rượu, bia kém chất lượng. NĐR biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ như không kiềm chế cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng xiêu vẹo đến nặng với các biểu hiện nôn nhiều, vã mô hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu.

NĐR mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu, do uống rượu kéo dài. NĐR cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố Methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép.

Có 2 loại NĐR chính là NĐR Etylic (Ethanol) và NĐR Metylic (Methanol).

NĐR Etylic: Triệu chứng từ nhẹ như hưng cảm, mất điều hòa, giảm khả năng phán xét, kích thích, hung hãn đến nặng như hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở, sặc phổi, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp và biến chứng hạ đường huyết.

NĐR Metylic: Lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc Ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự (thường khoảng 8 giờ sau khi uống nếu là Methanol đơn thuần nhưng thường trong rượu có cả Ethanol nên biểu hiện có thể chậm 18-24 giờ sau hoặc lâu hơn) có các biểu hiện như thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù); nếu nặng đồng tử giãn, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật, đái ít hoặc vô niệu và có thể tử vong.

NĐR thường xuất hiện các triệu chứng như giảm và mất khả năng vận động tự chủ, không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người,... Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở. Người NĐR có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Methanol là cồn công nghiệp có độc tính rất cao. Người ngộ độc Methanol sẽ có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ý thức lơ mơ, mù, hôn mê sâu, suy đa tạng (suy thận, suy gan,...), thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị giải độc kịp thời”.

Một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 1-4 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm đ, khoản 12, Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm e, khoản 12, Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP). Ngoài ra, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.

Tác hại của nghiện rượu và ngộ độc rượu

Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần,... Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Người nghiện rượu có thể dẫn đến viêm gan cấp, xơ gan, ung thư gan, viêm loét đường tiêu hóa, viêm tụy cấp, suy giảm trí tuệ, rối loạn tâm thần,... Người lớn tuổi hay người có bệnh lý tim mạch, say rượu thường che lấp những triệu chứng của tai biến tim mạch như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim.

Khi mua các sản phẩm rượu, bia, người tiêu dùng cần xem kỹ thông tin về sản phẩm

Mặc dù có nhiều lời cảnh báo về tác hại của tình trạng NĐR đối với sức khỏe nhưng không ít người vẫn phớt lờ, tiếp tục lạm dụng rượu, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc để rồi rước họa vào thân. Khi say hoặc NĐR, ngoài mất các giác quan và phản xạ, người say rượu còn dễ bị viêm phổi do lạnh hay sặc chất nôn.

Trường hợp NĐR quá nặng biểu hiện thở nhanh nông, tim đập nhanh, huyết áp tụt,... kèm theo buồn nôn, nôn; mất phản xạ gân xương, mất cảm giác, đồng tử giãn, hạ nhiệt độ, hạ đường huyết, hôn mê (nồng độ rượu >3g/l), nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Ông Đoàn Thanh Chiến khuyến cáo: “Loại rượu thường dùng để uống có chứa Ethanol. Nếu uống nhầm rượu chứa Methanol thì nguy cơ gây hại rất lớn. Biểu hiện của NĐR có pha Methanol giống hệt biểu hiện của say rượu như loạng choạng, hoa mắt,... nên rất khó phân biệt. Dấu hiệu NĐR Methanol điển hình là rối loạn về chức năng nhìn của mắt (nhìn đôi, nhìn thấy điểm đen), diễn biến nhanh hơn. Vì vậy, khi có biểu hiện NĐR thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu gây ra. Các chuyên gia chống độc khẳng định, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu vì nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống thêm rượu, bia thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.

Để phòng, chống NĐR, ngành Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; chỉ uống rượu với nồng độ cồn vừa phải, phù hợp tửu lượng cơ thể; không nên sử dụng các loại rượu được pha từ nhiều loại rượu khác nhau. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại cồn công nghiệp để pha chế rượu./.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết