Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành vào cuối năm 2015 nhưng đến nay phần lớn doanh nghiệp và nhân dân chưa thực sự hiểu rõ về những cơ hội và thách thức của Việt Nam.
Đây là thông tin đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin về AEC cho cơ quan báo chí và đơn vị truyền thông thuộc 22 tỉnh, thành phố phía Nam ngày 16/9.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), đồng thời là Phó đoàn đàm phán của Việt Nam cho biết, tham gia AEC, Việt Nam thuộc nhóm 4 nước được ưu đãi hơn nhóm 6 nước ASEAN còn lại và được tạo cơ hội cùng ASEAN hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế Đông Á.
Bên cạnh đó, AEC sẽ góp phần thúc đẩy sự hoàn thiện tiến trình đổi mới kinh tế của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường, thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, phát triển xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Cụ thể, AEC mang thêm thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam, cung cấp hàng hóa đầu vào với chi phí hiệu quả hơn cho sản xuất, giúp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Song song đó, AEC cũng góp phần thu hút đầu tư để xây dựng mạng lưới sản xuất, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh, khả năng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một số vấn đề tồn tại của ASEAN là còn hạn chế trong giải quyết hàng rào phi thuế, thuận lợi hóa thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, kết nối, nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.
Điển hình, khi tham gia AEC, Việt Nam cũng phải chấp nhận các thách thức như khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp và nền kinh tế còn hạn chế; sự cạnh tranh mạnh mẽ do nền kinh tế các nước ASEAN có cơ cấu tương đồng.
Ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức do tác động của AEC, Việt Nam đã thực hiện chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác như EU, Liên minh Á-Âu, Hàn Quốc... nhằm mở ra các cơ hội thị trường mới, tránh phụ thuộc vào Đông Á. Đồng thời Việt Nam tiếp tục xem xét, triển khai các biện pháp quyết liệt trong tháo gỡ vướng mắc về thể chế cho sự phát triển của các ngành quan trọng theo hướng chất lượng, hiệu quả.
Mặt khác, cần tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các giải pháp cụ thể về cải cách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt công tác phổ biến, tuyên truyền luôn được tăng cường đến cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân một cách chính xác, đầy đủ.
Vì vậy, việc cập nhật thông tin AEC cho các cơ quan báo chí và đơn vị truyền thông sẽ góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ những người làm báo, hướng đến định hướng thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ trong tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân./.
Mỹ Phương/TTXVN