Tiếng Việt | English

03/01/2017 - 17:55

Năm 2017: Ngành Nông nghiệp Long An phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 1,5%

Đầu năm 2017, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Lê Văn Hoàng có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Long An về kết quả trong năm 2016 và những định hướng hoạt động của ngành trong năm 2017.

PV: Năm 2016, nước ta chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai. Từ những ảnh hưởng đó, nền nông nghiệp của tỉnh gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Hoàng: Năm 2016, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết, khí hậu. Mưa trễ, hạn, xâm nhập mặn xảy ra gây thiếu nước tưới. Ước tính có 20.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó, khoảng 10.000ha lúa (mất trắng 3.600ha), còn lại là rau màu và cây trồng khác.

Ông Lê Văn Hoàng

Có khoảng 15.500 hộ dân của 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc và Tân Trụ thiếu nước sinh hoạt. Ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng 196 tỉ đồng. Các loại cây trồng khác: Bắp lai, khoai mỡ, mè, mía giảm diện tích so với năm 2015. Nguyên nhân, do thời tiết không thuận lợi, giá nông sản không ổn định nên nông dân chuyển sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bên cạnh khó khăn về sản xuất thì thị trường nông sản biến động, nông dân sản xuất không có lời. Liên kết hợp tác dọc trong sản xuất - tiêu thụ, liên kết ngang giữa nông dân và nông dân còn hạn chế. Triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn nhiều lúng túng, chậm so với yêu cầu.


Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại.

PV: Trước những khó khăn trên, ngành khắc phục và đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Hoàng: Sản xuất nông nghiệp năm 2016 chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, hạn, xâm nhập mặn,... gây thiệt hại khá lớn cho ngành nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp và nông dân nên cả năm nông nghiệp tỉnh nhà đạt mức tăng trưởng dương.


Năm 2016 tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt dương 0,75%

Đó là kết quả tổng hợp từ sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các ngành chuyên môn, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật được tăng cường; các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện tốt, hỗ trợ kịp thời cho người dân, đặc biệt hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn đúng với nguyện vọng của nông dân; tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quan tâm chú trọng, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, các cây trồng chuyển đổi như chanh, thanh long, rau màu các loại có diện tích, sản lượng tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi heo, bò tăng về số lượng và các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng; nuôi thủy sản nước ngọt tiếp tục phát triển; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản được kiểm soát chặt chẽ, không có dịch bệnh xảy ra; công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản được quan tâm. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được chủ động ngay từ đầu mùa khô nên không xảy ra hiện tượng cháy rừng đáng kể.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2016 tiếp tục đạt hiệu quả cao: Lúa chất lượng cao đạt 950.000/950.000 tấn (tăng 169.743 tấn so với năm 2015); chanh, thanh long, đậu phộng và rau các loại tiếp tục mang lại hiệu quả. Riêng chanh và thanh long tiếp tục mang lại hiệu quả cao nên có diện tích và sản lượng cao hơn nhiều so với cùng kỳ, chanh đạt 105.165 tấn (tăng 20,8% so với năm 2015), thanh long đạt khoảng 158.000 tấn (tăng 35,8% so với năm 2015).

Năm 2016, tổng đàn heo trong tỉnh đạt 298.058 con (tăng 14,5% so với cùng kỳ); đàn bò 142.325 con (tăng 51,5%); đàn gia cầm gần 8,4 triệu con (tăng 11,9%).

PV: Năm 2017, để nền nông nghiệp của tỉnh phát triển, ngành có những định hướng như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Hoàng: Nhận định trong thời gian tới, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, phát triển, tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2017, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh ủy, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trọng tâm là tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, triển khai hiệu quả chương trình đột phá của tỉnh là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong đó, chủ yếu xây dựng 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao (lúa, rau, thanh long và chăn nuôi bò thịt) nhằm tạo bước đột phá phát triển của tỉnh đến năm 2020. Phấn đấu sản lượng lúa năm 2017 đạt 2,8 triệu tấn (trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt 1 triệu tấn).


Phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2017 là 1,5%.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, kịp thời thông tin để người dân chủ động đối phó, tổ chức sản xuất nông nghiệp; tập trung thực hiện các giải pháp chống khô hạn, xâm nhập mặn; đẩy mạnh triển khai các giải pháp liên kết, hợp tác sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cung ứng sản phẩm từ phía TP.HCM.

Phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2017 là 1,5%. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đối thoại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Chú trọng công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi và đặc biệt sẽ phối hợp chặt chẽ các tỉnh, thành thực hiện từng bước công tác truy xuất nguồn ngốc mà trước mắt, năm 2017 phối hợp TP.HCM truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nông nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc thực hiện cánh đồng lớn trong sản xuất, từng bước củng cố, xây dựng và phát triển, hình thành hợp tác xã làm ăn hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

 Lê Huỳnh

* Năm 2016, toàn tỉnh thả nuôi khoảng 6.000ha tôm nước lợ, trong đó có 1.911,8ha bị thiệt hại, chiếm 32,1% tổng diện tích thả nuôi.

Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh ước khoảng 25.625,33ha (gồm: Rừng sản xuất 21.455ha; rừng đặc dụng 2.094,50ha; rừng phòng hộ 2.075,83ha), giảm 110,76ha so với đầu năm 2015. Nguyên nhân giảm do chuyển sang trồng lúa 98,26ha, làm đường giao thông 2ha, sản xuất, kinh doanh 3ha, nuôi trồng thủy sản 7,5ha.

* Năm qua, ngành nông nghiệp khảo nghiệm 99 giống lúa. Qua đó, chọn và đề nghị bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh gồm các giống: OM 10840, OM 374, OM 421, MNL 151, MNL 147, VN 08-259. Ngành xây dựng và duy trì mạng lưới nhân giống cung cấp giống chất lượng, tổng diện tích thực hiện trên 170ha, bình quân mỗi vụ cung cấp khoảng 500 tấn lúa giống xác nhận và nguyên chủng cho nông dân trong tỉnh.

Năm 2016, ngành thực hiện 42 đợt kiểm tra các quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tại 1.711 lượt cơ sở. Xử lý 197 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt 1.404.625.000 đồng.

Chia sẻ bài viết