Tiếng Việt | English

13/10/2016 - 09:42

Long An đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Long An là tỉnh có vị trí, điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển nhiều loại nông sản hàng hóa, nhiều mặt hàng đang có sản lượng cao như lúa (thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu long), thanh long (chỉ sau tỉnh Bình Thuận),... Việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây phát triển khá nhanh. Nhiều mô hình ứng dụng CNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thu hút đầu tư trên địa bàn.


Long An không ngừng tiếp cận, chuyển giao khoa học - công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi

Ứng dụng CNC từng bước phát triển

Định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh có từ năm 2004. Trong thời gian qua, tỉnh không ngừng tiếp cận chuyển giao khoa học - công nghệ trong một số lĩnh vực nông nghiệp. Chăn nuôi có khoảng 15% gia trại nuôi heo ứng dụng công nghệ “chuồng lồng” có trang bị hệ thống làm mát, máng tự động; khoảng 650 hộ nuôi heo, gia cầm được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP; 15% hộ nuôi bò sữa có trang bị máy vắt sữa.

Về lĩnh vực trồng trọt ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhà lưới, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh hại, ứng dụng tia laser trong san phẳng mặt ruộng (300ha), ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghệ tưới tiết kiệm trên rau, thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (88,15ha lúa sản xuất theo VietGAP); chanh 100ha (60ha sản xuất theo VietGAP, 40ha theo GlobalGAP); thanh long 33,4ha sản xuất Global Gap và 44ha rau sản xuất theo chuẩn VietGAP,... Về nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, gần đây có ứng dụng 2 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ nano trong xử lý ao nuôi và thức ăn cho tôm.

Nhằm thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch xây dựng mô hình doanh nghiệp ứng dụng CNC, sản phẩm CNC tiến tới thành lập doanh nghiệp CNC phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Định hướng đến năm 2020, hỗ trợ hình thành 8-10 doanh nghiệp ứng dụng CNC, hình thành 1 - 2 doanh nghiệp CNC, 1 - 2 cơ sở ươm tạo CNC và lai tạo 2 - 3 giống cây trồng, vật nuôi bằng CNC. Hiện có 3 doanh nghiệp (Công ty Hoàn Cầu Long An, Công ty Vạn Thịnh Phát, Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ) đăng ký thành lập khu nông nghiệp CNC.


Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi những năm gần đây phát triển khá nhanh

Bên cạnh đó, có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất rau khép kín theo công nghệ Nhật Bản như Công ty TNHH MTV RRFARN Green Rarm tại Khu công nghiệp Long Hậu huyện Cần Giuộc, một doanh nghiệp trong nước là Công ty TNHH Huy Long An về nuôi bò Úc vỗ béo kết hợp với trồng trọt theo hướng canh tác hữu cơ (không sử dụng hóa chất). Đây là 2 mô hình có triển vọng với đầu ra nông sản rất thuận lợi.

Ngoài ra, đề án phát triển CNC của tỉnh lựa chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ứng dụng CNC vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng CNC trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 40.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt 500 - 1.000 con theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ.


Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường

Đủ nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp CNC

Hiện nay, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của ngành được đào tạo bài bản về lĩnh vực nông nghiệp đang công tác tại các sở, ngành tỉnh, các nhà khoa học của các viện, trường trong và ngoài tỉnh tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp có những đóng góp quan trọng đến lĩnh vực ngành. Trung bình mỗi năm có trên 10 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ về lĩnh vực nông nghiệp với gần 100 nghiên cứu viên.

Các hệ thống tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ ứng dụng CNC trong nông nghiệp của ngành đủ điều kiện, nguồn lực đáp ứng cho hoạt động nghiên cứu - chuyển giao như máy móc phục vụ nghiên cứu, nhà tưới, hệ thống nhà kho, sân phơi, máy sấy, máy phân loại,...: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười (21 người); Trung tâm Khuyến nông (150 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó có 14 thạc sĩ, 78 kỹ sư), trung tâm có 2 trại sản xuất giống lúa và hàng năm xây dựng 20 tổ nhân giống trong nhân dân; Trung tâm Giống vật nuôi (48 người); Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ hiện có 25 biên chế với các nhiệm vụ quan trọng như nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ mới,...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Trong tổng số 696 công chức, viên chức của ngành hiện có 305 công chức có độ tuổi 20 đến 35 tuổi, chiếm 43,8%, 94 công chức có độ tuổi 36 đến 45 tuổi; về trình độ có 37 công chức đã và đang được đào tạo trình độ cao học, 426 có trình độ đại học, cao đẳng và 233 có trình độ trung cấp chuyên nghiệp công tác tại 20 phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở. Bên cạnh nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC thì đề án được xây dựng dựa trên nền tảng nội lực là chủ yếu, trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa lý và KT - XH, thế mạnh và tiềm năng về đối tượng và vùng sản xuất kết hợp với lựa chọn công nghệ tiên tiến, thích hợp theo đặc điểm, điều kiện tự nhiên sản xuất của địa phương để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cao và bền vững”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích