Binh sỹ Hàn Quốc tuần tra tại khu vực phía tây đảo Yeonpyeong, giáp giới Triều Tiên ngày 26/8. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Ngay sau khi nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, nhiều nước như Mỹ, Anh và Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh về bước đi mới nhất này của Liên hợp quốc.
Từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng văn kiện này đã phát đi một thông điệp đơn giản rằng Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và lựa chọn một hướng đi mới đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Bình Nhưỡng.
Ông Obama nhấn mạnh nghị quyết cho thấy một phản ứng mạnh mẽ, thống nhất và thích hợp của cộng đồng quốc tế đối với vụ thử hạt nhân hôm 6/1 và vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hôm 7/2 vừa qua.
Bình luận về nghị quyết của Liên hợp quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh nghị quyết sẽ buộc Triều Tiên phải đưa ra sự lựa chọn rõ ràng giữa việc tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân hay tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Ông Blinken tuyên bố nghị quyết của Liên hợp quốc lần này sẽ là một trong những nghị quyết cứng rắn nhất từ trước tới nay.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại London dẫn thông báo của Văn phòng Báo chí Bộ Ngoại giao Anh cho biết Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp mạnh mẽ đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Hammond nhấn mạnh: "Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua các biện pháp mạnh mẽ mà chúng tôi đã thảo luận kể từ sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm mùng 6/1. Việc nghị quyết được nhất trí thông qua cho thấy cộng đồng quốc tế sẵn sàng để thực hiện các biện pháp cứng rắn đáp lại những vi phạm như vậy."
Ông Hammond cũng cho biết tất cả các nước giờ đây sẽ phải thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên bên cạnh việc tuân thủ các nghị quyết trước đó, đồng thời nhấn mạnh "Triều Tiên phải chấm dứt các hành động khiêu khích và tiến hành các bước đi mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế" để đổi lại sự hồi đáp tích cực.
Ngoại trưởng Anh cho rằng nếu tiếp tục con đường hiện nay là ưu tiên phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo hiện nay hơn chăm sóc phúc lợi người dân, Triều Tiên sẽ chỉ ngày càng bị cô lập và hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt của HĐBA.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc nhận định đây là nghị quyết mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm vào Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ văn kiện mới này.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hãng thông tấn Yonhap trích dẫn một tuyên bố của Chính phủ Hàn Quốc do Thứ trưởng Ngoại giao Lim Sung-nam đưa ra có đoạn viết: "Nghị quyết đã bày tỏ ý chí mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế rằng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa mang theo vệ tinh của Triều Tiên sẽ không còn được dung thứ nữa."
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cam kết sẽ thực hiện “mọi nỗ lực cần thiết” cùng với các thành viên của Liên hợp quốc để đảm bảo rằng nghị quyết được thực hiện một cách thấu đáo mà không gặp bất kỳ vấn đề gì, đồng thời tuyên bố Seoul sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế để Triều Tiên sẽ phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình "một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược được."
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng nhắc lại lời kêu gọi Triều Tiên đi theo con đường phi hạt nhân hóa và cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng hơn” nếu họ thực hiện thêm một hành động khiêu khích nữa.
Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Triều Tiên.
Luật mới kêu gọi Hàn Quốc có những nỗ lực đồng bộ để cải thiện tình hình nhân quyền ở Triều Tiên như lập một cơ quan với nhiệm vụ thu thập thông tin và duy trì một hệ thống lưu trữ thông tin.
Ngày 2/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng hoan nghênh quyết định thông qua nghị quyết trừng phạt cứng rắn nhằm vào Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khẳng định động thái này đã gửi 1 thông điệp rõ ràng rằng Triều Tiên phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của nước này.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini nhấn mạnh nghị quyết trên đã "thể hiện rõ ràng sự đoàn kết và quyết tâm của cộng đồng quốc tế," đồng thời tuyên bố EU sẽ xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên, ngoài những biện pháp đã được nêu trong nghị quyết.
Bộ Ngoại giao Đức cùng ngày cũng ra tuyên bố hoan nghênh HĐBA áp đặt những biện pháp trừng phạt mới "cần thiết" và "hợp lý" nhằm vào Triều Tiên, qua đó gửi một tín hiệu quan trọng tới giới cầm quyền ở Bình Nhưỡng sau những hành động khiêu khích không thể chấp nhận của nước này.
Ở châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Tokyo đánh giá rất cao việc Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết 2270 nói trên và "mạnh mẽ yêu cầu" Triều Tiên không có thêm hành động gây hấn như thử hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo.
Về phần mình, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Kết Nhất tuyên bố nghị quyết vừa được HĐBA thông qua sẽ là điểm khởi đầu cho quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân./.
Theo TTXVN